Câu lạc bộ sáng tạo kỹ thuật “nông phú” huyện Châu Phú, một mô hình hay cần nhân rộng
Vừa qua, UBND huyện, Hội Nông dân huyện Châu Phú phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá 2 năm hoạt động của Câu lạc bộ sáng tạo kỹ thuật "Nông Phú" huyện Châu Phú - tỉnh An Giang.

Responsive image
 

Câu lạc bộ nông dân sáng tạo kỹ thuật là nơi tập hợp các nông dân đã đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Đây là câu lạc bộ đầu tiên của tỉnh được thành lập năm 2015 tại xã Thạnh Mỹ Tây; CLB thuộc Hội nông dân huyện Châu Phú quản lý. Mục tiêu của việc thành lập này là để tập hợp những nông dân của địa phương để cùng nhau cải tiến, sáng tạo và phát triển công cụ sản xuất nông nghiệp và giống lúa/nếp. Hầu hết các thành viên là những người nông dân có chung niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, chế tạo ra các công cụ phục vụ nông nghiệp và đời sống. Hiện tại CLB gồm 14 thành viên, đã và đang có nhiều sáng chế/cải tiến kỹ thuật đạt nhiều giải thưởng của tỉnh An Giang như: máy phun thuốc điều khiển từ xa (do ông Trần Quốc Tuấn chế tạo); xe chữa cháy mini, máng uống nước tự động cho bò, máy hút rầy xanh, máy cắt cỏ cải tiến cắt cây đậu bắp, cây bắp, máy cắt gốc rạ kết hợp thu lúa rơi trên ruộng (do ông Nguyễn Văn Dũng chế tạo); giống nếp thơm (do ông Từ Bá Đạt nghiên cứu lai tạo và nhân giống); máy phát điện mini, máy tưới rẫy tự động, máy cưa cây cải tiến (do ông Nguyễn Văn Đậm); máy thu gom rơm, hệ thống đùa lúa trong lò xấy (do ông Nguyễn Hoàng Phong chế tạo)  ...

Qua 2 năm hoạt động Câu lạc bộ nông dân sáng tạo kỹ thuật "Nông Phú" đã nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, chế tạo ra các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống thuộc nhiều lĩnh vực, cụ thể: xe chữa cháy mini, máng uống nước tự động cho bò, máy hút rầy, máy cắt gốc cây đậu bắp, cắt gốc rạ kết hợp thu lúa rơi trên ruộng; xe phun thuốc điều khiển từ xa; máy thu rơm, hệ thống đùa lúa trong lò xấy; máy phát điện mini, máy tưới rẫy tự động; lai tạo và nhân được giống nếp thơm… Các sản phẩm của các thành viên của câu lạc bộ đã bán ra thị trường trên 500 thiết bị, lúa giống, sản phẩm rượu cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nước bạn Lào và Campuchia; với kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng, lợi nhuận trên 800 triệu đồng; giải quyết cho 30 lao động có việc làm thường xuyên và hơn 100 lao động mùa vụ.

Những hoạt động của Câu lạc bộ đã mang lại hiệu quả về mặt xã hội: Các sản phẩm làm ra đã giảm bớt công lao động chân tay, giải quyết tình trạng thiếu lao động, bảo vệ sức khỏe cho nông dân trực tiếp lao động. Về mặt kinh tế: giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp, đủ sức cạnh tranh giá cả hàng hóa trên thị trường. Mặt khác, CLB cũng đã có nhiều hoạt động mang tính xã hội cao như hoạt động xã hội từ thiện, đóng góp nhiều hoạt động nổi bật cho phong trào nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Hội nghị đã báo cáo nhiều nội dung liên quan đến CLB và hoạt động sáng chế gồm: Báo cáo kết quả 02 năm thực hiện và phương hướng hoạt động thời gian tới của CLB nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú; Dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú.

Ngoài ra Ts. Đào Minh Đức (Nguyên trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN HCM) đã chia sẻ phương pháp luận về pháp lý và quản lý sáng kiến, sáng chế.  Các nông dân được nghe bà Phan Thị Châu (PCT Hội sáng chế VN, Tổng GĐ Công ty CP Thương mại và đầu tư Vĩ Long) trình bày kinh nghiệm thực tiễn của Hội sáng chế VN và thực tiễn của doanh nghiệp về sản phẩm sáng kiến, sáng chế đã đem lại hiệu quả… Qua những thảo luận và góp ý, hầu hết thành viên và khách mời tham dự đều đồng ý và thông qua Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của CLB nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú được đưa về cấp huyện quản lý, đồng thời cũng cần thêm các căn cứ pháp lý và mối quan hệ với các tổ chức đoàn thể ở huyện để CLB có thể hoạt động tốt hơn.

Responsive image
 

Với những kết quả trên Câu lạc bộ đã có nhiều thành viên nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, đạt được 01 giải nhì và 02 giải khuyến khích tại hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ IX (2014-2015) do tỉnh An Giang tổ chức, trong đó có 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

Đây là một mô hình hay cần được nhân rộng nhất là cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng để có thể tồn tại và phát triển thành một hợp tác xã, qua mô hình này các nông dân có thể liên kết phát huy trí tuệ để sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ địa phương góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn hiện nay.

Vũ Đình Phùng