Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nhưng nhiều năm nay, hàng triệu nông dân và người chăn nuôi, chủ trang trại ở nước ta vẫn đang phải oằn lưng nuôi gia súc, gia cầm bằng nguồn thức ăn chăn nuôi (TACN) ngoại nhập trong khi giá bán TACN luôn ở mức cao, có nhiều thời điểm trở thành vấn đề nóng bỏng.

Responsive image
 

 

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nước ta đứng thứ 7 trong tổng số 20 quốc gia sản xuất TACN lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy nước ta hằng năm vẫn phải chi khoảng 3 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu.

Mặc dù chăn nuôi lợn, gia cầm là hai mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp khó khăn, phải giảm đàn, thị trường TACN có sự tăng trưởng nóng, thừa về cung nhưng lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu trong những tháng đầu năm nay vẫn tăng mạnh.

Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 7-2017 ước đạt 258 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm lên 2,03 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, lượng ngô mà Việt Nam đang nhập khẩu tăng rất nhanh trong khi đó giá thành lại rất rẻ, giá thành trồng ngô ở nước ta từ 4.200 – 4.300 đồng/kg, và người nông dân phải bán được giá 5.000 đồng trở lên mới có lãi. Ngô hạt nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam hiện đang được chào bán với giá 4.700 đồng/kg.

Thực tế hiện nay cho thấy, sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TACN trong nước. Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 3,39 tỷ USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu; trong đó, Việt Nam phải nhập khẩu 8,3 triệu tấn ngô với trị giá 1,65 tỷ USD và nhập 1,56 triệu tấn đậu nành để làm nguyên liệu chế biến TACN.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, với các nguyên liệu bắp, đậu tương, mì lát, cám gạo nguyên liệu bột cá... nếu khâu sản xuất, trồng trọt tốt có thể sử dụng dư thừa cho chế biến TACN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những loại nguyên liệu trên vốn chiếm tới 80-70% trong công thức sản xuất thức ăn vẫn phải lệ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.

Trước thực trạng trên, Cục Chăn nuôi và Cục Trồng trọt từng đưa ra chủ trương kiến nghị cho giảm bớt xuất khẩu gạo để chuyển sang làm nguyên liệu sản xuất TACN. Thế nhưng đề xuất đó nhanh chóng gặp phải sự phê phán của các DN chế biến TACN bởi theo các DN này dùng gạo thay ngô sẽ không kinh tế, làm tăng giá thành sản xuất vì gạo đắt hơn ngô. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nếu tập trung vào sản xuất nguyên liệu TACN như đậu nành, ngô để phục vụ ngành chăn nuôi, giảm bớt nhập khẩu từ nước ngoài sẽ là không phù hợp.

Bởi Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng ở trình độ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu. Trong khi đó các quốc gia khác đã công nghiệp hóa nông nghiệp nên họ cho ra sản lượng lớn, giá thành thấp, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được.

Vì vậy, theo các chuyên gia, thay vì nghĩ sản xuất nhiều ngô với đậu nành để phục vụ ngành chăn nuôi, ngành Nông nghiệp Việt Nam nên tập trung sản xuất những sản phẩm có lợi thế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu TACN.

nt