FSMA là gì?
FSMA là từ viết tắt của Food Safety Modernization Act – Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Luật này đòi hỏi các biện pháp phòng ngừa toàn diện mang tính phòng ngừa rủi ro, thay vì kiểm tra sản phẩm cuối cùng tại cảng của Mỹ, thì nay sẽ quản lý theo chuỗi - từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, đóng gói, dán nhãn, vận chuyển, cho đến đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Luật này yêu cầu việc đầu tiên là doanh nghiệp phải đăng ký với FDA để được cấp phép nhập khẩu thực phẩm vào Mỹ. Lưu ý khi tiến hành đăng ký với FDA, FDA phải có một thời gian thẩm định lại xem nhà máy có đảm bảo được điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì mới cấp mã hàng.

Để đáp ứng yêu cầu của FSMA, doanh nghiệp trong nước buộc phải đầu tư xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng theo hướng an toàn cho sản phẩm ngay từ trong nước. Theo FSMA, chuỗi cung ứng phải nằm dưới sự giám sát và kiểm tra phòng ngừa rủi ro của FDA và các cơ quan liên quan khác của Mỹ. Trong đó, các nhà nhập khẩu Mỹ phải có kế hoạch kiểm tra nhà cung ứng nhằm đảm bảo sản phẩm và cơ sở sản xuất phải phù hợp theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ thì mới được cấp chứng nhận nhập khẩu.

Một số nội dung trọng điểm của luật FSMA là:

Hai quy định mới yêu cầu các công ty nhập khẩu của Mỹ phải tiến hành xác minh các nhà cung cấp nước ngoài, đảm bảo họ thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm theo hướng phòng ngừa và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tương đương tiêu chuẩn của các nhà sản xuất và chế biến tại Mỹ. Các đơn vị thẩm định an toàn thực phẩm của nước ngoài cũng nằm trong phạm vi quy định này.

Các doanh nghiệp sẽ phải xác định các mối nguy có thể xảy ra đối với từng loại thực phẩm, ghi chép và lưu trữ tư liệu để phục vụ quá trình thẩm định. Các cơ sở đã được FDA chứng nhận sẽ tiến hành hoạt động thẩm định.

Đây là lần đầu tiên FDA chính thức có quy định về điều này. FDA không quy định doanh nghiệp phải có chứng nhận cho sản phẩm, nhưng theo quy định mới, chứng nhận có thể được FDA sử dụng khi xác định có nên cho phép nhập khẩu một số loại thực phẩm có nguy cơ cao vào Mỹ hay không.

Quy định mới sẽ được áp dụng cho mọi loại thực phẩm NK vào thị trường Mỹ, gồm cả thủy sản. Theo báo cáo, hơn 90% thủy sản tiêu thụ trên thị trường được nhập khẩu từ nước ngoài.

Bà Margaret A. Hamburg, Cao ủy tại FDA phát biểu: “FDA cần thực hiện xây dựng các biện pháp toàn cầu đối với an toàn thực phẩm để đảm bảo dù tiêu thụ hàng nội địa hay nhập khẩu người tiêu dùng vẫn có thể tin tưởng về an toàn thực phẩm. Hai quy định mới sẽ giúp giải quyết được những thách thức trong hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu. Thành công của FDA phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các quốc gia, giữa các ngành công nghiệp và giữa các lĩnh vực khác nhau.”

Với quy định mới, FDA sẽ triển khai hoạt động của theo hướng phòng ngừa khi đối phó với vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu có hiệu lực, FSMA sẽ tăng cường sức mạnh của FDA trong thanh tra các cơ sở sản xuất và tăng cường việc tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. FDA sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra thực phẩm tại biên giới và tăng cường thanh tra các cơ sở ở nước ngoài.

– Quy tắc sản xuất an toàn cuối cùng và báo cáo tác động môi trường

– Các chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài (FSVP)

– Chứng nhận bên thứ ba tin cậy

– Giám sát ngăn ngừa đối với Quy tắc cuối cùng thực phẩm cho người

– Kiểm soát ngăn ngừa đối với Quy tắc cuối cùng thực phẩm cho động vật.

Trong đó, nội dung mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên quan tâm nhất đó là Chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài của cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Nhà nhập khẩu tại Mỹ phải lập các chương trình để xác nhận sự an toàn của tất cả các chuyến hàng nhập vào Mỹ, bằng các chứng nhận an toàn cho mỗi chuyến hàng, theo các quy định mới về các lô hàng đến cảng Mỹ từ ngày 30/5/2017.

Nâng cao trách nhiệm của các nhà nhập khẩu Mỹ:

Các nhà nhập khẩu Mỹ chịu trách nhiệm về các hành động bao gồm:

1) Xác định các mối nguy có thể đoán trước được hoặc đã biết với từng thực phẩm.

“Mối nguy” nghĩa là gì? Nhà nhập khẩu (và cả các nhà cung cấp nước ngoài của họ) phải phân tích và “lường trước” tất cả những rủi ro của thực phẩm và, phải ghi rõ các biện pháp đã thực hiện để ngăn ngừa trong quá trình sản xuất, vận chuyển và xử lý từng loại thực phẩm họ sản xuất. Đó là:

– Các mối nguy về sinh học, bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh

– Các mối nguy về hoá học, bao gồm các mối nguy phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân huỷ thực phẩm, các chất phụ gia và tạo màu không được chấp thuận, và các chất gây dị ứng thực phẩm

– Các mối nguy vật lý, như nhiễm bẩn thuỷ tinh hoặc kim loại

– Có thể là các mối nguy gây ra bệnh hoặc thương tích xảy ra tự nhiên, hoặc xảy ra vô tình hay cố ý để đạt được lợi ích kinh tế, như thay thế một thành phần rẻ tiền hơn.

2) Đánh giá rủi ro của thực phẩm, dựa trên phân tích mối nguy, và việc thực hiện của các nhà cung cấp an toàn.

Việc đánh giá phải xem xét các yếu tố bao gồm:

– Công thức thực phẩm

– Điều kiện, chức năng và thiết kế của các cơ sở và thiết bị của một công ty sản xuất thực phẩm điển hình

– Nguyên liệu và các thành phần khác

– Thực tiễn vận chuyển

– Quy trình khai thác, nuôi trồng, sản xuất, chế biến và đóng gói

– Các hoạt động đóng gói và dán nhãn

– Lưu trữ và phân phối

– Cách sử dụng dự định và có thể lường trước

– Vệ sinh, bao gồm vệ sinh lao động.

3) Sử dụng đánh giá rủi ro của các thực phẩm nhập khẩu, và việc thực hiện của các nhà cung cấp để chấp thuận nhà cung cấp.

4) Xác minh nhà cung cấp phù hợp.

5) Thực hiện các hoạt động khắc phục.

Luật mới cho phép FDA ngăn chặn việc đưa vào thị trường Mỹ các thực phẩm bị pha trộn hoặc bị nhầm lẫn, bao gồm các thực phẩm có nguy cơ gây hại.

– Thực phẩm pha trộn có thể do nhiều yếu tố, bao gồm nhiễm bẩn vi khuẩn và hoá học, ôi thiu hoặc phân huỷ, có chưa một phụ gia không an toàn, được chuẩn bị, đóng gói và bảo quản trong điều kiện không vệ sinh, và thay các nguyên liệu giá trị bằng các nguyên liệu kém khác.

– Thực phẩm bị nhầm lẫn trên bao bì có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm không công bố các thành phần nhất định hoặc các chất gây dị ứng thực phẩm chính, và không tuân thủ các thông tin dinh dưỡng trên bao bì. Công cụ này cho phép FDA loại bỏ hiệu quả các thực phẩm khỏi kênh phân phối, trong khi cơ quan này thực hiện các hành động hợp pháp và thực thi khác.

Theo đó, các doanh nghiệp phải có kế hoạch chuẩn bị thực sự bài bản thì mới có thể tiếp cận được thị trường Hoa Kỳ.

FSMA tiếp cận giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm thông qua phòng ngừa mọi rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) trong suốt quá trình sản xuất, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển và đưa ra sản phẩm ra thị trường. Do đó, khác với trước kia, hàng hoá chỉ kiểm tra ở cửa khẩu thì quy định mới này sẽ phân bổ áp lực cho tất cả các nhân tố trong chuỗi: các nhà bán lẻ của Mỹ, nhà phân phối, nhà nhập khẩu và trách nhiệm được chuyển về nhà sản xuất đầu vào, chế biến, đóng gói.

FSMA đòi hỏi các nhà sản xuất, chế biến của các nước phải đầu tư lớn để xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng định hướng sản xuất thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng ngay từ cơ sở trong nước, sau đó đăng ký kế hoạch ATTP dưới sự giám sát và kiểm tra phòng ngừa rủi ro từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Những thay đổi lớn này của FSMA sẽ đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, thói quen thương mại theo kiểu ngẫu nhiên, tình cờ gặp đối tác tiềm năng là xuất khẩu sẽ phải thay đổi. Nếu sản xuất xong mới tìm đối tác thì sẽ thất bại mà phải chuẩn bị thiết lập hệ thống giám sát, phòng ngừa từ trước. Bên cạnh đó, quy đinh mới của FSMA cũng khiến chi phí phí sản xuất tăng lên do phải đáp ứng nhiều thủ tục từ phía Mỹ. Đồng thời, quy định cũng hạn chế sự tham gia của nhà cung ứng quy mô nhỏ và vừa.

Luật này đã ra từ năm 2011 và có hiệu lực từ 1/9 năm nay nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của ta còn hiểu rất lơ mơ về FSMA. Đằng sau những câu chữ trong luật là một loạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng và nếu như đáp ứng được các tiêu chuẩn GlobalGap hay các tiêu chuẩn quốc tế khác đã khó thì đáp ứng quy định mới của FSMA còn khó hơn rất nhiều.

Tại Mỹ có 2 cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm là FDA and USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ). Trong đó, USDA kiểm tra 100% sản phẩm liên quan tới thịt, gia cầm, sản phẩm sữa và rau quả. FDA kiểm tra các loại nông sản chế biến khác. Trước kia, FDA bị chỉ trích vì chỉ kiểm tra 2% lô hàng nhập khẩu nên có thể tạo ra các rủi ro về an toàn thực phẩm. Bây giờ, với cách tiếp cận mới, họ sẽ tăng cường số lượng kiểm tra lô hàng hơn và càng kiểm tra nhiều thì rủi ro các lô hàng bị trả về càng cao,  cơ quan quản lý của Mỹ không tiết lộ sẽ tăng lên bao nhiêu phần trăm số lô hàng bị kiểm soát và điều này phụ thuộc vào mức độ rủi ro của sản phẩm, của đơn vị cung cấp sản phẩm… Thông thường thì hải sản có mức độ rủi ro cao. Do đó, trong trường hợp của Pangasius (cá da trơn), 100% các lô hàng đến cảng Mỹ sẽ bị kiểm tra từ 1/9 tới.

Đây là gánh nặng lớn cho tất cả chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ. Doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ phải đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ an toàn cho dù họ nhập ở đâu, bao gồm cả Việt Nam. Họ sẽ phải tới nước cung cấp sản phẩm tối thiểu 1 năm/lần và kiểm tra về quy tình an toàn thực phẩm của nhà cung cấp.

Đại diện Thương vụ VN tại Hoa Kỳ cho biết, FSMA quy định cứ hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các nhà XK nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ phải đăng ký lại Cơ sở sản xuất và Người đại diện tại Mỹ với Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp Mã số kinh doanh hợp lệ mới.

Hàng hoá rất dễ bị “hồi hương”

Ông Richard Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu cho biết, từ ngày 1/9/2017, tất cả các lô hàng cá da trơn, cá tra XK vào Mỹ được yêu cầu xuất trình đầy đủ hồ sơ cho Bộ Nông nghiệp Mỹ để phục vụ việc tái kiểm tra. Các quốc gia, kể cả Việt Nam, muốn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Mỹ phải nộp các tài liệu chứng minh sự tương đồng giữa hệ thống nuôi cá của họ với hệ thống nuôi tại Mỹ.

Hơn nữa, với thị trường Hoa Kỳ, mỗi bang lại có những quy định riêng, thậm chí là còn cao hơn tiêu chuẩn chung. Thành ra, các quy định trên dù đạt chuẩn EU, Nhật Bản, thậm chí là một số bang ở Mỹ nhưng với các tiểu bang Mississippi, Louisiana, Alabama… lại không áp dụng. Lý do là các tiểu bang này là thủ phủ nuôi cá da trơn ở miền Nam nước Mỹ, cá tra VN bị coi là một loài giá rẻ làm giảm giá bán và phá hoại thị trường của họ.

Trong thực tế, để chứng minh hệ thống nuôi cá, hay vận chuyển ở VN tương đồng với Mỹ là điều rất khó; việc yêu cầu mỗi Công ty phải có 1 người của cơ quan Nhà nước túc trực 24/24 tại nhà máy để giám sát… là khó khả thi. “Người nuôi cá ở Mỹ khi thu hoạch thì vận chuyển cá bằng xe tải về nhà máy để chế biến nhưng ở VN, nếu tương đồng, thì thay vì vận chuyển bằng ghe, doanh nghiệp phải sử dụng xe tải để chở cá. Điều này không thực tế với điều kiện vùng nuôi ở VN”,.

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để đối phó?

Các chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam lưu ý:

- Nếu các công ty của Việt Nam chưa làm việc chặt chẽ với nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Mỹ để biết và hiểu những thay đổi liên quan đến các yêu cầu về an toàn thực phẩm và có những hành động thích hợp cần thiết, đừng cố gắng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm qua nước này nữa cho tới khi doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác thương mại Mỹ hoàn thành những yêu cầu của quy định mới.

- Nếu bạn chưa tuân thủ theo yêu cầu mà vẫn cố xuất khẩu thì có rủi ro cao là nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Mỹ hoặc người đại diện sẽ gặp rắc rối “nghiêm trọng” với hải quan, FDA và USDA và công ty của bạn sẽ có nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, bao gồm cả việc bị cấm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

- Cần phải có một nghiên cứu, đánh tác tác động cụ thể của FSMA đến doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống nghiên cứu và phân tích “cảnh báo nhập khẩu” để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường phổ biến thông tin về các quy định mới. Đồng thời phải hỗ trợ xây dựng hệ thống giám sát của bên thứ 3.

Trong bối cảnh đó,Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý các doanh nghiệp:

Thứ nhất, về khái niệm hàng thực phẩm của Mỹ bao gồm tất cả các mặt hàng đồ ăn, thức uống cho người và động vật (gồm cả kẹo cao su) hoặc toàn bộ hay một phần là nguyên liệu để chế biến đồ ăn, thức uống cho người và động vật.

Thứ hai, các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam (bao gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu kho hàng thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường Mỹ) sẽ không phải làm thủ tục đăng ký nếu hàng thực phẩm đó trước khi xuất khẩu vào Mỹ tiếp tục được chế biến (bao gồm cả đóng gói) tại một cơ sở khác tại nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cơ sở khác tại nước ngoài chỉ đóng vai trò nhỏ trong quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng (như chỉ dán nhãn sản phẩm) thì cả hai cơ sở trong nước và nước ngoài đều phải làm thủ tục đăng ký.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem Hướng dẫn từng bước chi tiết đăng ký mới, đăng ký lại cơ sở sản xuất và đăng ký Người đại diện tại Mỹ trên trang Web của FDA…

Thực tế, do nắm bắt được thị trường Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn, trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm các thị trường khác. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm nay, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Brazil với mức tăng là hơn 75%, Hà Lan là hơn 43%, tiếp đến là Nhật Bản là 29,5%, Hàn Quốc 25%…

YN