Muốn phát triển bền vững ngành cá tra, cần nguồn giống chất lượng cao
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, chất lượng con giống suy giảm và không đảm bảo là yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sản lượng cá tra hiện nay.

Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có hơn 100 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra  và gần 1.900 hộ ươm dưỡng cá giống với diện tích khoảng 1.500ha; sản lượng cá bột sản xuất ước đạt hơn 16 tỷ con/năm, tập trung ở các địa phương như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… trong đó An Giang là tỉnh sản xuất và cung ứng cá tra giống chủ yếu của khu vực với 1,5 đến 4 tỷ con/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua chất lượng con giống suy giảm và không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ hao hụt trong các ao nuôi, đặc biệt có những ao nuôi cá tra có tỷ lệ hao hụt 40%- 50%, dịch bệnh nhiều, sản xuất manh mún nên nguồn cung cho thị trường không ổn định. Điều này làm cho chất lượng cá giống ngày càng suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sản lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế của các cơ sở nuôi.

Để có nguồn cá giống chất lượng cao cung cấp cả vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tỉnh An Giang xây dựng đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang"; định hướng xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Đơn vị cấp 1 sẽ là các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia nguồn lực và nghiên cứu; Cấp 2 là các trung tâm và doanh nghiệp sản xuất giống; Cấp 3 là các cơ sở ươm giống. Trong đó, doanh nghiệp là nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong đề án; doanh nghiệp kết hợp với các hộ dân ươm giống đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để tạo ra giống tốt đảm bảo chất lượng.

Từ đó để từng bước đáp ứng đủ về nhu cầu con giống cá tra có chất lượng tốt cho vùng ĐBSCL, góp phần tái tạo ngành cá tra theo hướng bền vững và hiệu quả hướng đến quản lý chặt chẽ và bền vững thông qua các mối liên kết.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang" mới đây, các biểu đã thống nhất, việc thực hiện đề án “liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL là cần thiết; tạo được nguồn giống tốt là rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra. Con giống là quan trọng trong phát triển cá tra, có con giống sạch bệnh là căn cơ mang lại hiệu quả cao, nâng chất lượng và thương hiệu.

Theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, An Giang là địa phương có nguồn lao động dồi dào, điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp; đồng thời có điều kiện địa hình thuận lợi để phát triển sản xuất cá tra. Đây cũng là một trong những cái nôi của giống cá tra, có nhà máy sản xuất cá tra lớn và cung cấp nguồn cá tra xuất khẩu lớn trong cả nước. Vì vậy chọn An Giang là địa phương triển khai và phát triển cá tra là hợp lý.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, mục tiêu đến năm 2020, cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra và đến năm 2025 cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra tương đương gần 2,5 – 2,8 tỷ giống cá tra cung cấp cho các địa phương tại khu vực ĐBSCL.

"Bộ nông nghiệp sẽ hỗ trợ An Giang hoàn thành đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long", trong đó quy hoạch thành 3 vùng sản xuất giống tập trung, có sự đầu tư của ngân sách nhà nước đối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu và có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ và các chính sách khác, làm sao để tạo ra sản phẩm cá tra chất lượng cao khắc phục tình trạng hiện nay.

Tới đây Bộ cũng xây dựng hoàn thiện toàn bộ các quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy định rất là cụ thể về điều kiện sản xuất, từ giống đến toàn bộ chuỗi sản phẩm cá tra. từ đó không những xây dựng thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng được tất các yêu cầu của thị trường, kể cả là thị trường khó tính nhất" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh. 

(Theo VOV)