THIÊN CẤM SƠN – NÓC NHÀ CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Nằm trên địa bàn xã An Hảo huyện Tịnh Biên là một trong những tuyến du lịch nổi tiếng nhất ở huyện Tịnh Biên đó là Khu du lịch Núi Cấm (cách Châu Đốc 36 km, Tịnh Biên 20 km, Tri Tôn 6 km, Long Xuyên 60 km và Tp. Hồ Chí Minh 300 km), có độ cao khoảng 710 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình khoảng 250C, độ ẩm lên tới 80% thích hợp cho nhiều loài cây sinh trưởng trong đó có các loài cây thuốc quý, gỗ quý và nhiều loài động vật như: heo rừng, nhím… Đây đúng là một vùng Thủy tú Sơn kỳ mà đã được giới báo chí và nhiều du khách ví như Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam.

 
Hằng năm có đến khoảng 1,2 triệu lượt khách trong nước đến tham quan thắng cảnh và nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Tịnh Biên, nhiều năm qua Tịnh Biên được xác định là tuyến trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh An Giang.
Du khách đến với Núi Cấm, nhất là vào mùa xuân, sẽ thấy cảnh đẹp ở đây thật tuyệt vời, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa trái xum xuê... Trên các vồ núi cao, buổi sáng sớm sương trắng giăng đầy, buổi trưa nắng vàng dịu dàng xuyên qua từng kẽ lá, buổi chiều tối mây bay là đà vương đầu núi và đêm về trời se se lạnh…, pha lẫn trong khung cảnh nên thơ đó là bản hòa ca đan xen giữa tiếng thác đổ, tiếng suối reo và tiếng chim gọi bạn tìm nhau…
Từ trên đỉnh Núi Cấm, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp xung quanh, phía xa xa là vùng Hà Tiên Thập Cảnh và biên giới Tây Nam.
Đường lên Núi Cấm có dốc thoai thoải, được tráng nhựa rất thuận tiện cho việc tham quan. Du khách có thể sử dụng các dịch vụ ở đây để lên tới đỉnh núi:
+ Có đội ngũ cá nhân hành nghề xe moto hai bánh vận chuyển hành khách, hàng hóa trong Khu du lịch Núi Cấm (1.139 chiếc).
+ Dịch vụ xe lữ hành 16 chổ.
+ Ngoài ra, khách du lịch có thể đi cáp treo với chiều dài 3.461m với 89 cabin đôi với công suất phục vụ (2.000 lượt khách/giờ). Điểm đầu của cáp treo Núi Cấm sẽ xuất phát từ khu du lịch Lâm Viên và điểm cuối của cáp treo nằm tại Vồ Ông Bướm (xã An Hảo).
Dưới chân núi về phía đông là Khu du lịch Lâm viên Núi Cấm. Có diện tích khoảng 100ha. Là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Với hệ thống nhà hàng thoáng mát, khu vui chơi đa dạng và phong phú, sân chơi rộng sẽ là nơi lý tưởng tổ chức hội nghị, sinh hoạt, cắm trại... đến đây có dịp thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị nam bộ, những sản vật địa phương có: bánh xèo trứng đà điểu, cua núi rang me, ốc núi, gà tre, thỏ...
Ngoài ra, quý khách có thể thưởng thức các món đặc sản khác nhau theo mùa:
+ Mùa Dâu, mùa Bơ, mùa Sầu riêng: từ giữa tháng 3 đến tháng 7 âm lịch.
+ Mùa Măng: Từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch.
+ Mùa Su Su, mùa Quýt: từ tháng 7 đến tết
Từ Lâm Viên theo lối mòn lên núi, du khách có thể tiện đường ghé suối Thanh Long, tắm thỏa thích giữa một thiên nhiên thơ mộng; Ghé Hồ Thủy Liêm để thả cá phóng sinh; Ghé Chùa Vạn Linh (còn gọi là Chùa lá) có lối kiến trúc hài hòa giữa hiện đại và cổ kính với chánh điện, Bảo các Quan Âm 7 tầng cao 40m, tháp chuông nặng 1,2 tấn, tháp thờ linh cốt hòa thượng Nguyễn Văn Xứng.
Điểm đến tiếp theo là Vồ Bồ Hong cao 710m so với mực nước biển. Tương truyền xưa kia nơi đây có rất nhiều côn trùng gọi Bồ Hong sinh sống và đông nhất vào buổi chiều. Từ trên đỉnh cao du khách có thể phóng tầm nhìn toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông, kinh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu cho đào đắp từ năm 1819- 1824 để ngăn ranh giới giữa Việt Nam- Campuchia và thấy tận biển Hà Tiên mờ ảo.
Đến với Núi Cấm du khách không khỏi giật mình khi nhìn thấy pho tượng phật Di Lặc khổng lồ nằm trên một quả đồi rộng trên 1.000m2, với chiều cao 33,6m, diện tích bệ 27 x 27m, khuôn viên tượng phật rộng 2,2 ha. Được khởi công xây dựng 04/03/2004 đến năm 2006 hoàn thành. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỷ xã và bụng to đặc trưng của tượng phật Di Lặc. Điều đặc biệt là khi đứng ở bất cứ ngọn đồi nào cũng có thể được nhìn thấy tượng phật, bức tượng do nhà điêu khắc Thụy Lam (tên thật Phạm Dân Chủ, ngụ ở thị xã Tân Châu) phác thảo bản vẽ và giám sát xây dựng, với khoảng 60 nhân công. Sáng ngày 29/05/2013 UBND tỉnh An Giang cùng tổ chức kỷ lục Châu Á đã công bố, tượng phật Di Lặc trên đỉnh núi cấm là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi” lớn nhất ở Châu Á, Tượng thuộc chùa Phật Lớn.
Và không thể nào không đến Chùa Phật Lớn (Thiền Viện Chùa Phật Lớn). Vì sao có tên gọi như vậy vì trong chùa có thờ một tượng Phật cao 1,8m. Vào thời điểm ấy, pho tượng này cao lớn hơn các tượng thờ khác cũng ở trên núi này và gọi vậy, còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng đông gần chân núi. Chùa phật lớn được xây dựng cách nay khoảng 1 thế kỉ, khởi nghiệp là ông Bảy Do tên thật là Cao Văn Long người làng An Hội, tỉnh Bến Tre. Ông là cháu của lãnh tụ kháng Pháp thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Tới đây, du khách cảm giác mình như sống trong mây, được hít thở không khí mát mẻ, trong lành để hy vọng những lời cầu nguyện sẽ được toại nguyện, dù giữa nắng hè gay gắt nhưng mọi người không cảm giác ngột ngạt, oi bức, bởi gió núi, mây ngàn lồng lộng giữa trời xanh làm cho tâm hồn của khách thập phương cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, bao nhiêu phiền toái, bất an trong lòng dường như tan biến hết.
Hoài Thương
Responsive image
 
table border="0" dir="ltr" style="width:100%;"> Responsive image   table border="0" dir="ltr" style="width:100%;"> Responsive image   table border="0" dir="ltr" style="width:100%;"> Responsive image   table border="0" dir="ltr" style="width:100%;"> Responsive image   table border="0" dir="ltr" style="width:100%;"> Responsive image   table border="0" dir="ltr" style="width:100%;"> Responsive image