An Giang tập huấn doanh nghiệp xúc tiến thị trường châu Âu
Sáng ngày 21/12, tại Long Xuyên, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức lớp tập huấn “Xúc tiến thị trường châu Âu”.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cho biết: An Giang là tỉnh nông nghiệp với đa dạng các mặt hàng nông thủy sản có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao, trong đó có 03 sản phẩm được chọn là hàng hóa chủ lực của tỉnh là gạo, thủy sản và rau màu, năm 2017 tỉnh đã xuất khẩu 430 ngàn tấn gạo, hơn 130 ngàn tấn thủy sản và gần 8.600 tấn rau quả. Tại thị trường châu Âu, tỉnh đã xuất khẩu thủy sản vào 21 nước, gạo 10 nước và rau quả 11 nước. Thời gian qua do rào cản kỹ thuật ở một số nước làm ảnh hưởng đến sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hy vọng rằng, qua lớp tập huấn, các doanh nghiệp An Giang sẽ cập nhật thêm những kiến thức về thị trường châu Âu, qua đó giúp doanh nghiệp có định hướng và tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Trần Ngọc Quân – Vụ phó Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẽ một số thông tin về thị trường châu Âu:

Tình hình thị trường châu Âu

Thị trường khu vực châu Âu có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông sản, đặc biệt rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản nhiệt đới, tuy nhiên rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực châu Âu có mức độ tập trung cao về chủng loại sản phẩm. Những sản phẩm chủ đạo xuất khẩu sang châu Âu (chiếm tới 88,3% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng) gồm cà phê và hoa quả nhiệt đới, các loại hạt và gia vị.

Rau và hoa quả: do điều kiện khí hậu, châu Âu nhập khẩu khá nhiều các loại quả nhiệt đới như chuối, cam, quít, xoài, dứa. Những nước nhập khẩu hàng đầu châu Âu là Đức, Anh, Pháp và Hà Lan chiếm hơn 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả toàn châu Âu. Rau quả của Việt Nam mới chiếm được một thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng nhập khẩu rau quả của châu Âu. Trong số các nước châu Âu, thị trường xuất khẩu ra quả chính của Việt Nam là Hà Lan (5%), Anh (0,9%), Pháp (1,9%), Đức (2%), Italy (1,1%).

Việc nhập khẩu rau quả vào châu Âu chủ yếu thông qua Hà Lan, đây được coi là cửa ngõ để vào được thị trường châu Âu. Trong nhóm hàng rau quả tươi xuất khẩu sang châu Âu thì trái cây luôn đạt kim ngạch cao nhất với mặt hàng chủ lực gồm: dứa, thanh long, cơ dừa, chôm chôm và xoài.

Rau quả Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu ở dạng tươi, sơ chế, do công nghệ sau thu hoạch còn kém, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân, việc thu hái, bảo quản vẫn tiến hành thủ công.

Các thách thức hiện tại với nông sản Việt Nam vào châu Âu

Rau quả: bị châu Âu rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu (hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%); châu Âu đã yêu cầu giấy kiểm dịch với rau quả và Thanh Long; châu Âu đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị...

Thủy sản: của Việt Nam vẫn đang bị đưa vào diện cảnh báo vàng trong quy chế IUU – châu Âu tiếp tục giám sát chặt chẽ trong 6 tháng tiếp theo đến tháng 2/2019.

Gạo: của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu, hưởng hạn ngạch thuế quan theo diện các nước thành viên WTO, tuy nhiên tổng lượng hạn ngạch rất thấp: 80.000 tấn, trong đó gạo chưa xay xát là 20.000 tấn, gạo xay xát là 30.000 tấn, gạo thơm là 30.000. Trong khi Hoa kỳ, Thái lan, Úc được hưởng hạn ngạch riêng.

Lưu ý trong quan hệ với châu Âu

Đối với Thủy sản:

Ủy ban châu Âu chính thức áp dụng thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, ngày 23/10/2017, do vi phạm những quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Nước bị thẻ vàng sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang áp dụng thẻ đỏ, (trong khối ASEAN, hiện Thái Lan và Philippines cũng đang bị EC áp dụng thẻ vàng, Campuchia : thẻ đỏ).

Đối với gạo:

Ủy ban châu Âu đang xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của chất propiconazole có thể tồn dư trong lúa gạo từ các chế phẩm thuốc trừ sâu. Propiconazole (PPZ) là một loại thuốc trừ nấm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lúa gạo ở nhiều nước như Hungary, Ý, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam.

Triển vọng xuất khẩu nông sản sang châu Âu

Do kinh tế một số nước thành viên trong khối đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ tăng, một số mặt hàng chủ lực như thủy sản, điều, rau quả, cà phê, cao su vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu tốt trong thời gian tới.

EVFTA nếu SỚM được ký và phê chuẩn tạo cơ hội cho xuất khẩu vào châu Âu, theo EVFTA gạo Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng. Thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0 -5% trong vòng 7- 10 năm.

Bộ Công Thương xúc tiến các chương trình đưa hàng Việt vào các chuỗi siêu thị châu Âu, kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp Việt kiều.

Bá Đăng

Một số hình ảnh phóng sự tại lớp tập huấn:

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image