Doanh nghiệp Việt Nam lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Thổ Nhĩ Kỳ
Sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hàng loạt chiến dịch trấn áp mạnh mẽ vào doanh nghiệp nhà nước. Đối tượng bị bắt giữ là thành viên hoặc có liên hệ với Tổ chức khủng bố Fethullah (FETO – tên gọi Phong trào Gulen từ sau cuộc đảo chính hụt). Vấn đề cần lưu tâm là việc bắt giữ này chưa dừng lại và mở rộng sang các doanh nhân và đóng cửa các doanh nghiệp cung cấp tài chính cho FETO.

Theo Hürriyet Daily News, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng trăm doanh nghiệp trong cuộc điều tra âm mưu đảo chính và ra lệnh tạm giam đối với hàng chục doanh nhân, một số người trong số này đã bị bắt giam. 4.262 công ty và các tổ chức đã phải đóng cửa với cáo buộc có quan hệ với FETO - tổ chức được cho là đứng sau âm mưu đảo chính.

Thời gian tới, lệnh bắt giữ doanh nhân và tịch thu tài sản dự kiến sẽ còn tiếp tục. Việc bắt giữ các doanh nhân và đóng cửa các doanh nghiệp nói trên có thể gây rủi ro cho các đối tác của các doanh nghiệp, mặc dù sau khi bị bắt giữ các doanh nghiệp đều bổ nhiệm những người ủy nhiệm điều hành, hiện đã có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hoạt động, không thể liên hệ và do đó dẫn đến mất nguồn cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang nước này cần lưu ý giữ liên hệ và trao đổi thường xuyên để nắm tình hình của đối tác, để có biện pháp xử lý phù hợp, đồng thời nâng cao tính an toàn trong thanh toán đối với các đơn hàng xuất khẩu như: sử dụng điều kiện thanh toán thư tín dụng không hủy ngang trả ngay (L/C at sight) để giảm thiểu rủi ro.

Theo baocongthuong.com.vn