Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức Lớp tập huấn “Kinh nghiệm xem xét hợp đồng và Kỹ thuật xử lý các vấn đề tranh chấp”
Sáng ngày 15/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hơp với Công ty Cổ phần Nguồn lực CFO (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Lớp tập huấn “Kinh nghiệm xem xét hợp đồng và Kỹ thuật xử lý các vấn đề tranh chấp”.

Responsive image
 

Mục đích, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xem xét, đánh giá hợp đồng từ các yếu tố pháp lý khác nhau, biết cách tập trung vào những điều khoản quan trọng của hợp đồng, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp nếu xảy ra.

Tham dự lớp tập huấn có 60 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu chiếm trên 80% và các doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu chiếm 20%. Học viên tham gia lớp tập huấn chủ yếu là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh, trưởng bộ phận pháp chế...

Lớp tập huấn được chia thành nhiều nhóm nhỏ làm bài tập thực hành để các học viên trao đổi, tương tác và trải nghiệm, chủ yếu tập trung vào các nội dung chính: phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại; các loại điều khoản của hợp đồng: điều khoản chính yếu, điều khoản chọn lựa, điều khoản thương mại, điều khoản pháp lý, điều khoản tiêu chuẩn; Kỹ năng xem xét hợp đồng: Chủ thể (có đủ thông tin và điều kiện để ký hợp đồng ?), người ký (giấy ủy quyền ?), đối tượng/dịch vụ của hợp đồng đã mô tả cụ thể chưa ?, hình thức hợp đồng (có phải công chứng/đăng ký hay không) ?, các điều khoản quan trọng (đối tượng hợp đồng, giá cả, thanh toán, giao hàng, bảo hành), nghĩa vụ và quyền của mỗi bên.

Trao đổi tại lớp tập huấn, một doanh nghiệp khá bức xúc cho biết: doanh nghiệp có ký hợp đồng cung cấp hàng hóa cho khách hàng, khi phát hiện khách hàng bị phá sản, doanh nghiệp đã làm đơn khởi kiện gửi tòa án trước với mong muốn thu hồi một phần giá trị hợp đồng và ngân hàng gửi đơn kiện sau (khách hàng có vay thế chấp tài sản tại ngân hàng). Tuy nhiên, cơ quan thi hành án lại xử ngân hàng được thi hành án trước, vấn đề doanh nghiệp đặt ra là doanh nghiệp gửi đơn kiện trước thì cơ quan thi hành án phải xử cho doanh nghiệp được thi hành án trước, tức là lấy tài sản của khách hàng hóa giá bồi thường giá trị hợp đồng của doanh nghiệp.

Trường hợp này, Diễn giả - Luật sư Phạm Quốc Tuấn đã giải thích: do ngân hàng và khách hàng có tiến hành đăng ký “giao dịch bảo đảm bằng tài sản” nên cơ quan thi hành án ưu tiên thi hành án cho ngân hàng trước mặc dù ngân hàng là bên khởi kiện sau. Đây là trường hợp thường xảy ra gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì khi ký hợp đồng mua bán, doanh nghiệp khó yêu cầu khách hàng ký “giao dịch bảo đảm bằng tài sản”. Do đó để khắc phục, Luật sư Phạm Quốc Tuấn tư vấn: trước khi ký hợp đồng mua bán, doanh nghiệp có thể yêu cầu khách hàng mở tài khoản L/C tại ngân hàng để  đảm bảo và hạn chế rủi ro.

Thông qua lớp tập huấn, diễn giả đã cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, giúp doanh nghiệp hiểu và nắm vững quy trình xem xét hợp đồng, nhất là các điều khoản quan trọng cần quan tâm, đồng thời nêu ra các phương pháp xử lý hiệu quả các vấn đề tranh chấp. Qua đó, giúp doanh nghiệp đạt mục đích quan trọng, tối đa và cân bằng quyền lợi, phòng ngừa và hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng. Ngoài ra, diễn giả cũng đã tư vấn tại lớp tập huấn cho 02 doanh nghiệp về kỹ năng soạn thảo hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Responsive image
 

Nhìn chung, nội dung lớp tập huấn và kinh nghiệm truyền đạt của diễn giả được học viên đánh giá cao, rất thiết thực, phù hợp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, sau khi lớp tập huấn kết thúc các học viên có thể áp dụng ngay và có hiệu quả tại doanh nghiệp. Lớp tập huấn cũng là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và diễn giả để hai bên tiếp tục trao đổi, tư vấn khi doanh nghiệp ký hợp đồng với đối tác trong và ngoài nước.

Bá Đăng