An Giang định hướng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2018
Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 của Tỉnh và định hướng của Bộ ngành ngành Trung ương, An Giang xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư với những định hướng cụ thể.

Định hướng xúc tiến đầu tư của tỉnh gồm: Tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, gắn kết với các hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương trên cả nước.  Tăng cường công tác thông tin và truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, chính sách và môi trường đầu tư của tỉnh đến với các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khai thác thông tin từ nhiều nguồn trên mạng, báo chí, tạp chí chuyên ngành về xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

Phát huy lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của tỉnh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, bảo quản,...các nhóm sản phẩm được xác định trong Kế hoạch được duyệt; tiếp tục mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện, môi trường; các dự án đầu tư vào khu công nghiệp trong các lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình, công nghiệp hỗ trợ; có chọn lọc lựa chọn các dự án quy mô lớn có tính cạnh tranh cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia.

Xem việc cải thiện môi trường đầu tư là công việc trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư, lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả.

Đối tượng thu hút đầu tư tập trung vào các đối tác lớn, doanh nghiệp tiềm năng đang đầu tư và có hướng đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapre, Malaysia, Mỹ, Úc, New Zealand; Các đối đối mối quan hệ ngoại giao với An Giang như Pháp, Thụy Điển, Hà Lan,... ; Các nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm xu hướng nổi lên trong thời gian tới được Cục Xúc tiến Thương mại đưa ra chủ đề hội thảo Xúc tiến đầu tư vào công nghiệp thực phẩm Việt Nam vào tháng 11/2017 vừa qua tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong 5 năm qua, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam tăng trưởng đều đặn bình quân đạt gần 7%/năm đối với thực phẩm chế biến và trên 9% đối với đồ uống. Theo dự báo tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm 11% cho giai đoạn 2017 - 2019. Những mặt sản phẩm thực phẩm xuất khẩu khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm: Thủy sản, cà phê, gạo, hạt điều,  rau quả, chè, hồ tiêu, mật ong.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo của Lãnh đạo Bộ Công thương đã khẳng định “Tiềm năng đầu tư ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam còn rất lớn, không chỉ tiêu thụ nội địa và còn đầu tư xuất khẩu sang các nước khác”

Với sự chủ động trong định hướng thu hút đầu tư, nằm trong xu hướng chung của cả nước, tin tưởng rằng trong thời gian tới An Giang sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.

Hòa Thuận