Ban hành Quy chế quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang
Ngày 11/01/2021, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định ban hành Quy chế quản lý Nhà nước về xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Quy chế này được áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm các Sở, Ban, Ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có thực hiện các hoạt động xúc tiến; Tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện các hoạt động xúc tiến bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước; Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động xúc tiến trên địa bàn tỉnh.

Responsive image
 
 
Quy chế gồm 4 chương, 20 điều, trong đó,
Hoạt động xúc tiến thương mại gồm: Phát triển ngoại thương; Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; Chương trình xúc tiến thương mại miền núi, biên giới; Hoạt động xúc tiến thương mại trong thương mại điện tử.
Hoạt động xúc tiến đầu tư gồm: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Nội dung quản lý nhà nước hoạt động xúc tiến gồm:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng xúc tiến thương mại, đầu tư trong từng thời kỳ và hàng năm.
- Hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư.
- Điều phối các hoạt động xúc tiến.
- Theo dõi, tổng hợp đánh giá tình hình và hiệu quả của hoạt động xúc tiến.
- Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân trong hoạt động xúc tiến.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư. Trung tâm Xúc tiến Thương mại làm đầu mối, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại.
Các hoạt động xúc tiến trong nước và nước ngoài phải được xây dựng, tập hợp thành chương trình xúc tiến được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Khuyến khích các hoạt động xúc tiến mang tính toàn tỉnh, hạn chế thực hiện các hoạt động xúc tiến đơn lẻ nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, kinh phí; lồng ghép với các chương trình tuyên truyền đối ngoại, văn hóa. Có tính khả thi về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, kinh phí và tiến độ triển khai. Chú trọng các hoạt động xúc tiến tại chỗ trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai, hoạt động hiệu quả. Khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động xúc tiến.
Hoạt động xúc tiến phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành và các huyện, thị xã, thành phố. Tùy theo tình hình thực tế có thể xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành, địa phương nhưng không ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch chung của tỉnh. Phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và có tác động thiết thực đến việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực vào các lĩnh vực hoặc địa bàn, khu vực ưu tiên phát triển để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Bích Phương.