Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung cấp gạo tại ĐBSCL
Ngày 8/8, tại thành phố Cần Thơ, Đoàn Doanh nghiệp Trung Quốc do ông Wang Zhi Xi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lương thực Thái Hương, thành phố Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông; đại diện Hiệp hội lương thực Trung Quốc làm trưởng đoàn đã đến Đồng bằng sông Cửu Long để tìm kiếm nguồn cung cấp gạo.

Responsive image
 

Ông Wang Zhi Xi cho biết nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường Trung Quốc hiện rất lớn và có xu hướng ngày càng gia tăng. Riêng tại doanh nghiệp của ông, sản lượng bán hàng cao nhất có thể đạt 800 tấn/ngày, gần 300.000 tấn/năm. Do đó, qua buổi làm việc này đoàn doanh nghiệp Trung Quốc kỳ vọng hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác cung - cầu mặt hàng gạo.

Ngoài ra, xu hướng thị trường Trung Quốc tiêu thụ gạo dịch chuyển từ gạo giá rẻ sang gạo chất lượng cao, gạo Organic. ông Wang Zhi Xi mong muốn tìm kiếm được các nguồn cung cấp gạo phù hợp yêu cầu từ các doanh nghiệp cung ứng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và 29,2% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt hơn 890.000 tấn, chiếm 26,8% thị phần xuất khẩu toàn ngành.

Ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 8 trên toàn cầu của Trung Quốc.

Theo ông Đào Việt Anh, dự báo thời gian tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn, khó duy trì được đà tăng trưởng như các năm trước đó. Nguyên nhân là do sự điều chỉnh chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo được Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/7 và sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn gạo xuất khẩu của các quốc gia khác.

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường này, ông Đào Việt Anh đề nghị cần đảm bảo chất lượng phù hợp với thỏa thuận về kiểm dịch đối với sản phẩm gạo nhập khẩu được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngoài ra, cần chủ động xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng, đối tác qua các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng thương hiệu gạo, đặc biệt với các sản phẩm có giá trị và thực hiện đăng ký thương hiệu nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường này cũng như phục vụ cho việc đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị của Trung Quốc.

Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến hình thức thương mại điện tử vì đây đang là kênh phân phối, tiêu thụ rất hiệu quả tại thị trường này.

Ngày 22/6/2016, Tổng Cục kiểm nghiệm, kiểm dịch và giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc đã cấp phép 22 doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo của Việt Nam được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến ngày 28/2/2018 Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu gạo đối với ba doanh nghiệp của Việt Nam, nguyên nhân xuất khẩu sản phẩm gạo tấm sang Trung Quốc bị phát hiện có lẫn hạt cỏ vượt mức quy định của nhà nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn 19 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc.

 (Theo vnexpress.net)