Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở An Giang
Hai năm xây dựng mô hình, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con nông dân tỉnh An Giang nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Responsive image
 

Thực hiện tinh thần Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật được đưa vào ứng dụng đạt hiệu quả cao như: Lai tạo và tuyển chọn giống lúa thơm Bảy Núi chất lượng cao, Mô hình luân canh lúa - màu - lúa; Cánh đồng mẫu lớn công nghệ cao tại Thoại Sơn; Vườn ươm cây rau giống theo hướng công nghệ cao của huyện An Phú; dự án Tôm toàn đực của Israel, trồng cây dược liệu vùng Bảy núi...

Thăm mô hình vườn ươm cây giống rau công nghệ cao của nông dân Nguyễn Văn Thức, xã Khánh An, An Phú (An Giang), ông cho biết: "Hơn 38 năm theo nghề trồng rau màu, nhưng hai năm qua, từ khi chính thức triển khai mô hình vườn ươm cây giống công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước công nghệ na-no đã cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Tỷ lệ cây giống lên mầm đạt đến 100%, bán cho bà con trồng, tỷ lệ sống đạt đến 90% so với kỹ thuật truyền thống là 50%. Nhiều nông dân đã đến tham quan và triển khai cách làm vườn ươm ở đây, đem lại hiệu quả cao".

Tri Tôn là huyện miền núi, có thế mạnh về trồng cây dược liệu, huyện đã liên kết với Công ty cổ phần Dược Hậu Giang xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu ở ấp Tà Dung (xã Lương Phi) và phát triển cây dược liệu với diện tích 20 ha/năm, chủ yếu là rau tần dày lá. Ðối với sản xuất rau màu an toàn theo hướng công nghệ cao, huyện đã trồng được gần 114,7 ha mè đen giống mới trong vụ đông xuân và hè thu năm nay, thay thế những vùng trồng lúa kém hiệu quả.

Phú Tân là vùng chuyên canh lúa nếp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong khâu canh tác được bà con nông dân thực hiện bằng cách giảm phân, thuốc BVTV, chọn giống chất lượng, sử dụng các máy móc hiện đại vào sản xuất, như san phẳng mặt ruộng bằng tia la-de, sạ hàng, gặt đập liên hơp... qua đó nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp làm ra.

Tất cả những cách làm, mô hình nêu trên đã từng bước tạo nền tảng cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đại trà ở An Giang.

Ðịnh hướng về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở An Giang, Lãnh đạo tỉnh An Giang nhấn mạnh, các cấp, các ngành và địa phương quán triệt sâu sắc Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy để cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh gắn với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xem đây là con đường tất yếu đưa nông nghiệp An Giang phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh những định hướng chung của tỉnh, từng địa phương có cách thực hiện riêng nhằm tận dụng và phát huy lợi thế của mình.

An Giang cũng hết sức chú trọng vấn đề phát triển nguồn nhân lực. theo đó tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, về quản lý sản xuất hiệu quả trong các lĩnh vực có liên quan, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Theo: nhandan.com.vn