Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang
Theo điều tra và đánh giá của Cục Thông kế tỉnh An Giang về các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh năm 2017 đối với 851 hộ có ứng dụng khoa học kỹ thuật và các mô hình hiệu quả của địa phương như sau:

 
 

Nhóm sản phẩm lúa gạo: Các hộ sản xuất có ứng dụng khoa học kỹ thuật có ưu thế vượt trội khi tỷ lệ chi phí trung gian và giá thành bình quân (b/q) 1 kg sản phẩm đều thấp hơn so với các hộ sản xuất theo phương thức truyền thống. Sản xuất lúa chất lượng cao có tỷ lệ chi phí trung gian thấp nhất (chiếm 34,32%), kế tiếp là sản xuất lúa mùa Nàng Nhen (36,20%); sản xuất lúa áp dụng 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm khá hiệu quả (tỷ lệ chỉ xấp xỉ 41-42%). Tỷ lệ chi phí trung gian chiếm cao nhất là mô hình sản xuất lúa Nhật (chiếm 51,82%).

Nhóm sản phẩm rau màu: Do chi phí đầu tư cao nên giá thành bình quân 1 kg sản phẩm của ứng dụng khoa học kỹ thuật có cao hơn so hộ sản xuất phương thức truyền thống (5.889 đồng/kg so mức 4.031 đồng/kg) song đầu tư có hiệu quả hơn khi tỷ lệ chi phí trung gian chỉ chiếm 44,18% thấp hơn 6,48% so hộ sản xuất phương thức truyền thống. Trong sản xuất rau màu có ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất rau trong nhà lưới giá rẻ có tỷ lệ chi phí trung gian thấp nhất (chiếm 32,09%), cao nhất là sản xuất cây giống trong nhà màng (ớt giống), chiếm 62,40%.

Nhóm sản phẩm thủy sản: tỷ lệ chi phí trung gian của các hộ có ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thuỷ sản là 85,95%, cao hơn 3,5% so hộ sản xuất truyền thống và giá thành b/q 1 kg sản phẩm của hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật là 21.553 đ/kg thấp hơn 411 đ/kg so với hộ sản xuất truyền thống. Trong các mô hình nuôi có ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi cá bằng máy tự động cho thức ăn có tỷ lệ chi phí trung gian cao nhất (89,68%) do đầu tư “nặng” đầu tư máy móc thiết bị, các mô hình còn lại chi phí trung gian phổ biến trong khoảng 63-87%. Riêng các mô hình nuôi tôm có chi phí đầu tư thấp nhất, trong khoảng từ 57-59%.

Nhóm sản phẩm chăn nuôi: Tỷ lệ chi phí trung gian của hộ nuôi có ứng dụng khoa học kỹ thuật là 86,47% thấp hơn 8,76% so hộ sản xuất phương thức truyền thống; giá thành bình quân 1 kg sản phẩm là 28.454 đ/kg cũng thấp hơn 787 đ/kg so với hộ sản xuất phương thức truyền thống. Trong đó, nuôi mô hình nuôi bò heo sinh sản hiệu quả gấp đôi so mô hình nuôi thịt

Nhóm sản phẩm nấm ăn - nấm dược liệu: Tỷ lệ chi phí trung gian của các hộ có ứng dụng khoa học kỹ thuật là 58,31% thấp hơn 16,74% so hộ sản xuất truyền thống. Giá thành bình quân 1 kg sản phẩm của ứng dụng khoa học kỹ thuật là 28.716 đ/kg thấp hơn 2.743 đ/kg so với hộ sản xuất truyền thống. Trong đó, các mô hình trồng nấm có ứng dụng khoa học kỹ thuật có tỷ lệ chi phí trung gian xấp xỉ nhau dù giá thành mỗi loại chênh lệch nhiều.

Nhóm sản phẩm cây dược liệu: Tỷ lệ chi phí trung gian của các hộ có ứng dụng khoa học kỹ thuật là 9,26% thấp hơn 10,79% so hộ sản xuất phương thức truyền thống. Giá thành bình quân 1kg sản phẩm của ứng dụng khoa học kỹ thuật là 2.999 đ/kg thấp hơn 2.531 đ/kg so với hộ sản xuất phương thức truyền thống.

Nhóm sản phẩm cây ăn quả: Tỷ lệ chi phí trung gian của các hộ có ứng dụng khoa học kỹ thuật là 44,15% thấp hơn 19,65% so hộ sản xuất phương thức truyền thống. Giá thành bình quân 1 kg sản phẩm của ứng dụng khoa học kỹ thuật là 3.996 đ/kg thấp hơn 4.314 đ/kg so với hộ sản xuất phương thức truyền thống. Trong đó các mô hình trồng cây ăn quả có hệ thống tưới tự động hiệu quả cao nhất.

Nhóm sản phẩm hoa, cây kiểng: Tỷ lệ chi phí trung gian của các hộ có ứng dụng khoa học kỹ thuật là 33,21% thấp hơn 20,67% so hộ sản xuất phương thức truyền thống.

Như vậy, đối với 2 nhóm sản phẩm chủ lực lúa cá, ta thấy mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tỷ lệ chi phí trung gian thấp nhất là sản xuất lúa chất lượng cao (34,32%); chi phí trung gian cao nhất là mô hình nuôi cá bằng máy tự động cho thức ăn (89,68%) do đầu tư máy móc thiết bị.

Nt