ĐỘC ĐÁO LẨU MẮM AN GIANG
An Giang được du khách biết đến với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, nền văn hóa giao thoa giữa 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cũng đã giúp nơi đây hình thành nên một nền ẩm thực phong phú, đặc sắc với nhiều món ngon vật lạ. Được ví như là thủ phủ của các loại khô và mắm, An Giang nổi tiếng với nhiều đặc sản như: khô cá lóc, khô cá sặc bổi, khô cá tra phồng, mắm các linh, mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá chốt, mắm thái... Trong đó, mắm cá linh đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Top 5 đặc sản mắm nổi tiếng Việt Nam” vào năm 2012. Và lẩu mắm An Giang được xem là thương hiệu, là niềm tự hào của người dân An Giang, là đỉnh cao của nghệ thuật thưởng thức mắm.

Responsive image
 

Để có được một nồi lẩu mắm ngon, người đầu bếp phải trải qua các giai đoạn công phu, từ việc chọn lựa các loại nguyên liệu cần thiết cho đến công đoạn quan trọng nhất để cho ra một nồi lẩu mắm là nấu nước dùng. Ngoài mắm là nguyên liệu chính, người ta còn cho vào nồi lẩu các loại nguyên liệu như tôm, thịt ba chỉ, cá, mực, cà tím... và ăn kèm với các loại rau đặc trưng của vùng sông nước. 

          Điểm đặc trưng và thu hút của lẩu mắm là nước dùng phải thơm, ngọt, mang đậm hương vị mắm nhưng không có mùi tanh của cá. Các đầu bếp thường dùng xương heo để ninh lấy nước và nấu cùng với mắm cá sau đó lọc bỏ xương để làm nước dùng. Không phải chỉ nấu từ một loại mắm, mà nước dùng của lẩu thường được nấu từ hai đến ba loại mắm khác nhau tùy vào bí quyết của người đầu bếp. Và thông thường, người ta hay dùng mắm cá linh, mắm cá sặc và mắm cá chốt. Sau khi nước dùng được nấu xong, thịt ba chỉ, tôm, mực, cá và cà tím cũng được cho vào nồi lẩu để thêm sự da đạng phong phú. Lẩu mắm sau khi hoàn tất sẽ được dọn lên cùng với các loại rau sống mang đậm hương vị vùng sông nước như rau muống, lục bình, cù nèo, rau đắng, rau dừa, bắp chuối, bông súng, rau nhúc, bông điên điển... và được ăn kèm với bún tươi.

Responsive image
 

Nồi lẩu có nước dùng màu nâu sóng sánh với mùi thơm đặc trưng của mắm, vị ngọt của cá tôm, cùng với sắc vàng tươi sáng của điên điển, màu xanh của các loại rau, đã góp phần tạo nên một bức tranh ẩm thực dân gian phong phú và đặc sắc. Ngày nay, lẩu mắm An Giang đã trở thành một món ăn nổi tiếng khắp các tỉnh thành, được nhiều nhà hàng, quán ăn trên cả nước đưa vào thực đơn để phục vụ thực khách. Nhưng ở miền đất An Giang, nơi lẩu mắm được khai sinh vẫn luôn mang đến một hương vị đặc trưng và nguyên bản nhất. Những du khách yêu thích ẩm thực, yêu thích mắm, hãy đến với An Giang để một lần được thưởng thức cái hương vị đặc trưng nguyên bản ấy, để một lần được chạm đến cái gọi là đỉnh cao của nghệ thuật thưởng thức mắm.

Hồng Loan