KÊU GỌI Ý THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Trong những năm gần đây, việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam đang là vấn đề cấp bách. Việt Nam đang là nước xếp thứ 17/109 quốc gia ô nhiễm nặng về rác thải nhựa, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải, xếp thứ 4 các quốc gia có lượng rác thải ra môi trường biển nhiều nhất, tương đương 2.500 tấn rác thải được thải ra hàng ngày. Tính trung bình một công ty du lịch thải ra 47.000 túi/năm, 90.000 ly nhựa dùng 1 lần/năm, 2,5 triệu chai nước suối cho khách đi tour hàng năm, 2,9 triệu vật dụng nhựa khác trong quá trình đi tour cũng như hoạt động du lịch. Vấn đề này có tác động lớn đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam.

 

Tại An Giang, cộng đồng mạng liên tiếp lan truyền hình ảnh về hành vi thiếu ý thức, phản văn hóa của không ít khách du lịch đến đây. Các điểm du lịch, “check-in” nổi tiếng tại An Giang như: hồ Tà Pạ, hồ Soài So, hồ Soài Chek, hồ Ô Thum,… tràn ngập rác thải do một số du khách đến đây để lại như: bọc ni lông, chai nước suối, hộp đựng đồ ăn, vỏ lon bia, nước ngọt... Sự vô ý thức ấy phần lớn đến từ những người trẻ, phía sau 1 bức ảnh đẹp trên mạng xã hội là ảnh hưởng xấu đến mỹ quan và đời sống của người dân xung quanh.

Dọc đường lên núi Cô Tô, các đường mòn đi bộ lên các vồ trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, người hành hương không chỉ xả rác bừa bãi, mà còn cột lên cành cây, ngọn cỏ, bờ rào, dây giăng 2 bên đường. Đây là hậu quả của quan niệm “gửi bệnh” và những điều không may mắn lại trên núi. Tại khu vực Hồ Thủy Liêm, nhiều du khách mua thức ăn rải xuống hồ cho cá ăn. Tuy nhiên, vài trường hợp lại ném nguyên cả bọc ni lông thức ăn chưa mở ra xuống nước.

Mới đây, cây thốt nốt trái tim ở Tri Tôn, đã bị chặt bớt lá, mất đi hình dạng trái tim vốn có ban đầu, gây nhiều tiếc nuối cho những người yêu du lịch. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do chủ sở hữu cây bức xúc trước hành vi xả rác bừa bãi của các bạn trẻ tới đây chụp hình. Bởi vậy, chủ sở hữu cây buộc phải chặt đi các tán lá để hạn chế lượng khách tới đây, giảm thiểu tình trạng xả rác bừa bãi.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ước 6 tháng đầu năm 2019, An Giang đón khoảng 7 triệu lượt khách, ngành du lịch đặt chỉ tiêu năm 2019 đón 9,2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nếu mỗi du khách không có ý thức, tự giác bảo vệ môi trường chung thì đây là mối đe dọa rác thải cho các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân của vấn nạn môi trường xuất phát từ nhận thức và tính tự giác của người Việt về việc xả rác. Thói quen xả rác bừa bãi đã ăn sâu vào tâm lý và đáng lên án hơn nữa là lối suy nghĩ đi đến những khu du lịch thì sẽ có nhân viên phục vụ dọn dẹp. Thói quen sử dụng vật dụng nhựa dùng một lần như hộp cơm, ly nước,… chỉ vì tiện lợi trước mắt. Nguyên nhân khác đến từ việc dễ dãi của các cơ quan quản lý đối với các địa điểm ăn uống, vui chơi. Chưa cứng rắn phạt đúng lúc, đúng chỗ, đúng hình phạt với những quán ăn, địa điểm phục vụ khách du lịch thường xuyên có rác thải.

Trước thực trạng đó, ngày 9/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thị: Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; Các bộ, ngành địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực nhiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tại Hà Nội, Sở Du lịch vừa ban hành Kế hoạch triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Tại Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi, thiết thực như: ra quân vệ sinh môi trường, “Ngày chủ nhật xanh”, “chương trình “Bảo vệ dòng sông quê hương”, Ngày hội “Đổi rác lấy quà tặng”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển …  Thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào Ngày hội Sống xanh 2019 với chủ đề “Chống rác thải nhựa”.

Tại An Giang, ngày 16-11-2018, UBND tỉnh có Quyết định số 2900/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, An Giang đang trong giai đoạn phát triển về du lịch, nếu địa phương không có quy hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, với lượng du khách đổ đến quá đông và việc chạy theo phát triển kinh tế mà lơ là yếu tố bền vững, các khu điểm, thắng cảnh đẹp của tỉnh sẽ bị nhấn chìm trong rác thải.

Trước mắt, mỗi du khách phải có ý thức, tự giác bỏ rác đúng nơi quy định tại các điểm du lịch hoặc mang đi nếu gần đó không có thùng rác. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ quản cần bố trí đầy đủ, hợp lý các thùng rác công cộng; nhanh chóng, kịp thời dọn dẹp, thu gom rác. Các công ty lữ hành hạn chế sử dụng các vật phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tuyên truyền, vận động du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khi đi du lịch không để lại gì ngoài những dấu chân, không mang theo gì ngoài những bức ảnh. Có như vậy thì các điểm du lịch mới thu hút được du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Bích Phương