Dự kiến xuất khẩu cá tra cả năm đạt khoảng 1,7 tỷ USD
Năm nay tình hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với mặt hàng thủy sản chủ lực là cá tra có những tín hiệu khá tích cực, tạo nguồn cung ổn định cho xuất khẩu. Cụ thể, đối với mặt hàng cá tra, các ao nuôi cá tra được quản lý và quy hoạch chặt chẽ.

Từ đầu năm đến nay, giá cá tra có xu hướng tăng nên người nuôi dần ổn định sản xuất. Diện tích nuôi cá tra hiện có đạt 4.746 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vào vụ thu hoạch chính, sản lượng thu hoạch 8 tháng của các tỉnh ĐBSCL tăng trưởng khá, đạt trên 815 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Thời gian vừa qua, việc Hoa Kỳ quyết định kiểm tra 100% lô hàng cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này theo chương trình thanh tra cá da trơn từ ngày 2/8 thay vì kế hoạch từ ngày 1/9 trước đó đã đặt ra những lo ngại về tình hình xuất khẩu cá tra nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Thông thường mỗi năm, giá trị xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ chiếm khoảng trên 21% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Khi Hoa Kỳ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá tra xuất khẩu từ Việt Nam, hàng được đưa về kho do phía Hoa Kỳ yêu cầu và phía Hoa Kỳ sẽ lấy mẫu khoảng 3% trên tổng số hàng đem đi kiểm tra. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất tự chủ nguồn cá tra, vừa mua thêm nguyên liệu từ các hộ nuôi trồng khác. Ngoài sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Chương trình kiểm soát cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề này. Theo ông Oai “mặc dù phía Hoa Kỳ áp dụng kiểm tra 100% lô hàng khá gắt gao, song động thái này không gây ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu cá tra trong năm nay, dự kiến xuất khẩu cá tra cả năm đạt khoảng 1,7 tỷ USD”.

 

Theo TTXVN