Trung Quốc ngưng mua, giá gạo giảm lại... mừng
Lý do, gạo Việt Nam đã nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Thực tế lâu nay, khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, nước này đã giảm lượng gạo nhập khẩu đến 256.000 tấn so với cùng kỳ năm 2017. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ giữa tháng 6 đến nay lượng gạo xuất khẩu nhìn chung có giảm so với các tháng trước đó.

Responsive image
 

Giá tăng, bớt phụ thuộc

Hiện tượng xuất khẩu giảm trong một tháng qua theo các doanh nghiệp là do hoàn tất giao hàng cho các hợp đồng tập trung với Indonesia, Malaysia. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến cuối tháng 5, giá gạo ở mức cao đến đầu tháng 6 khi Ấn Độ và Thái Lan đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, các nhà nhập khẩu giảm mua để chờ giá. Điều này kéo giá gạo Việt Nam đi xuống theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Theo VFA, ở thời điểm hiện tại giá gạo xuất khẩu giảm khoảng 30 USD/tấn so với lúc cao điểm nhưng vẫn còn cao hơn Thái Lan khoảng 10 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo đạt 2,8 triệu tấn, giá trị 1,2 tỉ USD. Trong khi đó, nửa đầu năm nay xuất khẩu gạo đạt 3,6 triệu tấn và 1,8 tỉ USD. Lượng gạo xuất tăng 24,6% còn giá trị tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2017; số điểm phần trăm của giá trị tăng gần gấp 2 lần con số tăng của lượng.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân tăng tới 59,5 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước; giá gạo bình quân năm 2018 là 505 so với 445,5 USD/tấn. Nếu so sánh với gạo cùng chủng loại của các đối thủ khác, gạo Việt Nam cũng chiếm ưu thế. Cụ thể như gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, so với Ấn Độ 410 USD/tấn và Thái Lan là 435 USD/tấn.

Trong những năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam đều trong cảnh “lấy lượng, bù giá”. Nay giá trị xuất khẩu tăng mạnh hơn lượng cho thấy chất lượng hạt gạo Việt Nam đang được cải thiện và được thị trường nhìn nhận. Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm 2017, có đến 46,5% gạo Việt Nam xuất đi Trung Quốc. Năm nay dù Trung Quốc vẫn là nhà mua chính nhưng thị phần chỉ còn có 30%. Trung Quốc giảm nhập nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã tăng được lượng xuất vào các thị trường: Indonesia tăng 269,5 lần, Iraq tăng 25,7 lần, Malaysia gấp 2,8 lần, Mỹ tăng 2,4 lần, Hồng Kông 49%, Philippine 38% dù chưa ký được các hợp đồng tập trung.

Trung Quốc sẽ sớm quay lại

Các chuyên gia trong ngành nhận định những khó khăn hiện tại chỉ mang tính thời điểm các doanh nghiệp cần bình tĩnh theo dõi thị trường. Vì theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong 6 tháng qua, lượng hợp đồng đăng ký đạt gần 4,5 triệu tấn, lượng gạo chưa giao theo hợp đồng còn khoảng 1 triệu tấn trong khi lượng gạo trong kho của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 900.000 tấn. Yếu tố này cho thấy đầu ra của hạt gạo vẫn còn tốt. Bên cạnh đó, Cơ quan Lương thực Philippines (NFA) ngày 12.7 lên kế hoạch mở thầu nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo năm nay để bảo đảm ổn định giá cả trên thị trường nội địa.

Đối với thị trường Trung Quốc, từ đầu năm 2017, nước này áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo 40 - 50% (trừ tấm). Bên cạnh đó áp dụng chính sách kiểm dịch thực vật nên hiện chỉ còn 19 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Những chính sách trên là nguyên nhân kéo giảm lượng gạo xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên về lâu dài việc này sẽ giúp xuất khẩu gạo vào Trung Quốc giảm được rủi ro vì phụ thuộc vào xuất tiểu ngạch như trước đây.

(Theo thanhnien.vn)