Quy định về thông tin xuất xứ trên nhãn hàng hóa của New Zealand
Thời gian gần đây, Ủy ban Thương mại New Zealand khởi kiện một số vụ việc liên quan đến thông tin về xuất xứ hàng hóa. Thương vụ Việt Nam tại New Zealand cung cấp một số thông tin về quy định ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa để các doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Responsive image
 

Quy định về ghi nhãn hàng hóa

Ủy ban Thương mại New Zealand (UBTM) là cơ quan quản lý nhà nước về thực thi Luật Thương mại Công bằng nói chung và các quy định về ghi nhãn hàng hóa nói riêng.

Theo giải thích của UBTM, Luật không đòi hỏi tất cả các sản phẩm phải được dán nhãn ghi rõ nơi xuất xứ. Tuy nhiên, khi một sản phẩm được dán nhãn thì phải đảm bảo các thông tin trên nhãn hiệu không gây hiểu nhầm hoặc cố tình lừa đảo.

Điều 13 khoản j của Luật quy định: "Không ai được phép đưa ra các công bố sai trái hoặc gây hiểu nhầm về xuất xứ của hàng hóa khi buôn bán, cung cấp hoặc có thể cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc khi quảng bá bằng bất kỳ phương tiện nào cho việc cung cấp hoặc sử dụng hàng hóa hay dịch vụ.”  

Luật pháp New Zealand không có các định nghĩa có tính pháp lý về các khái niệm “sản xuất tại New Zealand – made in New Zealand/New Zealand made”, “sản phẩm của New Zealand – product of New Zealand”, “lắp ráp ở New Zealand – assembled in New Zealand”, hay “thiết kế ở New Zealand – designed in New Zealand”.  

New Zealand không quy định bắt buộc về việc ghi xuất xứ hàng hóa đối với thực phẩm. Việc ghi xuất xứ trên nhãn thực phẩm hoàn toàn là tự nguyện của các nhà sản xuất hoặc cung ứng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm.

New Zealand quy định về ghi xuất xứ hàng hóa đối với: i) quần áo và giày dép; ii) rượu vang. Tuy nhiên, các quy định này không đưa ra các tiêu chí cụ thể về xác định xuất xứ:

Quy định ghi xuất xứ hàng hóa về quần áo

Quy định về Tiêu chuẩn thông tin người tiêu dùng (Ghi nhãn xuất xứ Quần áo và Giày dép) năm 1992 quy định nhà sản xuất bắt buộc phải ghi rõ xuất xứ hàng hóa đối với các sản phẩm quần áo và giày dép mới bán ra trên thị trường. 

Quy định ghi xuất xứ hàng hóa với rượu vang

Khoản 7 trong Quy định về rượu vang 2006 quy định: i) Rượu vang nho phải được ghi nhãn chỉ rõ nước xuất xứ của rượu vang; ii) Nếu có bất kỳ loại nước ép nho, nước ép cô đặc, rượu mạnh hoặc rượu vang nào được sử dụng trong bất kỳ loại rượu vang nho nào có nguồn gốc từ một nước khác với nước xuất xứ của rượu vang nho thì cần phải ghi nước đó trên nhãn như là nơi cung cấp nguyên liệu sử dụng trong sản xuất rượu vang nho.

Tiêu chí xác định xuất xứ sản phẩm

Theo hướng dẫn của UBTM, việc xác định một sản phẩm có phải do New Zealand sản xuất không cần dựa trên dữ liệu thực tế và mức độ sản xuất/chế biến sản phẩm đó. Việc xác định các tiêu chí này tùy thuộc vào tính chất của sản phẩm và khó có thể đưa ra một công thức chính xác để quyết định sản phẩm nào có thể được gọi là “sản xuất tại New Zealand” hay “sản phẩm của New Zealand”. 

Một số yếu tố cần cân nhắc bao gồm:

Đối với quần áo, giày dép: liệu sản phẩm có được chuyển đổi trên thực tế từ vải thành quần áo?

Đối với thực phẩm: đặc tính/thành phần quan trọng của thực phẩm được tạo ra ở đâu?

Đối với một sản phẩm chế tạo: liệu sản phẩm có được chế tạo đáng kể tại New Zealand không? Các thành phần quan trọng được chế tạo ở đâu? Có giai đoạn quan trọng nào trong quá trình chế tạo diễn ra ở nước ngoài không?

Để đánh giá liệu việc tuyên bố một sản phẩm được “sản xuất tại New Zealand” có vi phạm Luật Thương mại Công bằng hay không phải xem tuyên bố đó có gây hiểu lầm cho người tiêu dùng hay không. 

Nếu một sản phẩm được sản xuất tại New Zealand từ gần như toàn bộ các thành phần có nguồn gốc New Zealand thì gần như không có rủi ro khi tuyên bố sản phẩm đó được “sản xuất tại New Zealand”. Tuy nhiên, nếu các thành phần quan trọng được nhập khẩu hoặc nếu một phần của quá trình chế tạo được thực hiện ở nước ngoài thì có thể có nguy cơ vi phạm Luật khi tuyên bố sản phẩm được “sản xuất tại New Zealand”. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sản phẩm hoặc tính chất của quy trình chế tạo mà một vài sản phẩm như vậy vẫn được coi là được “sản xuất tại New Zealand”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều sản phẩm được bán ra tại thị trường New Zealand có các thành phần, nguyên liệu sản xuất ở các nước khác. Trong nhiều trường hợp như vậy, việc chỉ tuyên bố một quốc gia xuất xứ sẽ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Do vậy, để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa, UBTM khuyên các doanh nghiệp nên sử dụng các cụm từ như “lắp ráp”, “đóng gói”, “pha trộn”, hoặc “thiết kế hoặc lắp ráp tại New Zealand từ các nguyên liệu nhập khẩu”. 

Tổ chức BusinessNZ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp New Zealand cũng đưa ra hướng dẫn cách thức xác định một sản phẩm có phải được sản xuất tại New Zealand không theo 3 loại sản phẩm: i) thực phẩm; ii) sản phẩm y tế, iii) sản phẩm chế tạo. BusinessNZ tổ chức chương trình chứng nhận "Buy NZ Made" tương tự chương trình “hàng Việt Nam chất lượng cao” nhằm giúp doanh nghiệp xác định và quảng bá sản phẩm “sản xuất tại New Zealand” của mình. 

Một số ví dụ về xác định tiêu chí xuất xứ

Do thiếu các quy định pháp lý rõ ràng hoặc mang tính bắt buộc đối với thực phẩm nên việc xác định xuất xứ của sản phẩm bán ra tại New Zealand khá phức tạp, gây tranh cãi và nhiều trường hợp phải đưa ra giải quyết tại tòa án:

Ví dụ 1: Một công ty bán nội thất văn phòng quảng bá sản phẩm là “New Zealand Made”. Những chiếc ghế này được lắp ráp tại New Zealand sử dụng các bộ phận như đế, bánh xe, phuộc, cần điều chỉnh độ cao, ghế ngồi và dựa lưng sản xuất tại Đài Loan, Trung Quốc và Ý. Một số bộ phận không quan trọng như nệm được sản xuất tại New Zealand. Tòa án đã tuyên bố việc sử dụng cụm từ “sản xuất tại New Zealand” cho các sản phẩm ghế trên là gây hiểu lầm do các nguyên liệu từ New Zealand không đủ lớn.

Ví dụ 2: Một công ty New Zealand bán thực phẩm bổ sung từ sữa dê và ghi nhãn hàng hóa là “100% New Zealand Made”. Tuy nhiên, toàn bộ các thành phần, bao gồm sữa bột đều được nhập khẩu. Họ chỉ pha trộn với các thành phần khác rồi ép thành viên thuốc tại New Zealand. Tòa đã tuyên bố việc ghi nhãn trên là gây hiểu lầm vì một người bình thường sẽ tin rằng sản phẩm trên được làm từ sữa dê New Zealand và được chế biến tại New Zealand.  

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại New Zealand