Hội nhập giúp doanh nghiệp lớn mạnh
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang trên quá trình thực thi việc xây dựng một thị trường thống nhất cho nền sản xuất. Hội nhập kinh tế AEC và ASEAN+6 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025.

Responsive image

Thông qua Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với từng đối tác kinh tế lớn và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam cũng sẽ nhận được thuế xuất khẩu 0% tại các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể thâm nhập sâu hơn vào việc sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khu vực. Các dòng vốn đầu tư sẽ đến cùng theo đó là công nghệ mới, các phương pháp quản lý cập nhật, ngoại tệ và sự gia tăng các cơ hội mới để thâm nhập thị trường nước ngoài.

Hội nhập kinh tế AEC và ASEAN+6 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025, dựa theo số liệu từ nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và ADB. Cùng lúc đó, kế hoạch quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 của Bộ Công Thương cũng tập trung vào phát triển các ngành điện tử và thông tin, chế biến và sản xuất công nghiệp cũng như các nguồn năng lượng mới. Đây là thời điểm cho các nhà sản xuất của Việt Nam nắm bắt cơ hội này.

Các chuyên gia cho rằng việc chủ động tham gia vào AEC và ASEAN+6 sẽ mang lại nhiều cơ hội mới, bao gồm việc tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, thế hệ lao động mới chất lượng hơn và bổ sung nguồn vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, từ việc tận dụng nguồn tài nguyên phong phú của các nước lân cận cũng như cơ hội mở rộng ra các thị trường mới ở nước ngoài.

Một trong số những hướng đi để phát triển bền vững nền công nghiệp sản xuất là việc củng cố và mở rộng ngành công nghiệp phụ trợ. Việt Nam hiện đã và đang có tiềm năng về việc gia tăng nhu cầu của các linh kiện từ sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI.

Theo Báo điện tử Người Lao Động