Xuất khẩu thủy sản năm 2017 chống chọi với rào cản
Trong năm 2017, ngành thủy sản đã phải gồng mình chống chọi với nhiều rào cản nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vượt "vũ môn" để về đích.

 
 

Phải nói rằng trong 1 năm qua, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đối diện với không ít khó khăn. Đó là sự cạnh tranh nguyên liệu tôm từ nước ngoài như: Ecuador, Ấn Độ, cũng như nguồn tôm, cá tuyết, cá nheo nguyên liệu của Mỹ, đến các rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong quá trình đánh bắt, khai thác.

Từ nguyên liệu thiếu ổn định

Trong nhiều năm qua, ngành thuỷ sản Việt Nam như tôm, cá tra, cá ngừ… luôn phải đối mặt với những khó khăn về nguyên liệu. Điển hình như ngành tôm đã phải ứng phó với nguồn nguyên liệu chất lượng cao luôn thiếu hụt, kích cỡ đáp ứng được yêu cầu của nhà tiêu dùng không nhiều, điều này dẫn đến có nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu tôm nước ngoài phục vụ cho chế biến.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay người tiêu dùng châu Âu, Australia, Mỹ,… có xu hướng ăn tôm với kích cỡ từ 50 con – 70 con/kg. Nhưng hầu hết người nuôi tôm Việt Nam đều thu hoạch tôm kích cỡ khoảng 35 con – 40 con/kg.

Mặc dù cũng có nhiều doanh nghiệp thu mua tôm nguyên liệu ở cỡ này để xuất khẩu sang thị trường khác, nhưng thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam vốn đa dạng. Vì vậy, nguồn nguyên liệu tôm cũng phải đa dạng mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Không riêng con tôm, với nguồn nguyên liệu cá tra phục vụ cho chế biến và xuất khẩu cũng không ổn định. Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, kể từ khi con cá tra nguyên liệu được thu mua với giá thấp ( năm 2015 - 2016), thì nhiều hộ nông dân nuôi cá tra đã phải treo ao hoặc thu hẹp sản xuất, chỉ liên kết nuôi gia công theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Điều này đã dẫn đến nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu khan hiếm, thiếu hụt. Có thời điểm giá cá tra nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng cao (giữa 2017 đến nay) nhưng người nuôi cũng không đủ nguồn cá để cung cấp; đồng thời, khi đối mặt với những yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu, nguồn nguyên liệu đủ tiêu chuẩn ASC, BAP, HACCP và những yêu cầu khác theo đạo luật Farmbill của Mỹ cũng không nhiều như thị trường mong đợi.

… Đến nhà nhập khẩu yêu cầu nhiều tiêu chuẩn

Ngay từ đầu năm 2017, con tôm Việt Nam gặp khó khăn chính từ thị trường Ôx-trây-lia vì Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Ôx-trây-lia ban bố lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín vào Ôx-trây-lia.

Với lệnh cấm kéo dài trong 6 tháng đầu năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu tôm. Cho đến khi lệnh cấm này được dỡ bỏ và có hiệu lực từ ngày 6/7/2017 thì việc xuất khẩu tôm vào Ôx-trây-lia mới được khởi sắc trở lại.

Không những vậy, ngành cá tra cũng phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của Mỹ. Mỹ là thị trường chiếm 20% giá trị xuất khẩu của cá tra Việt Nam, nhưng cũng là nơi có khả năng sản xuất cá da trơn tương tự như cá tra là cá nheo và cá tuyết.

Điều này làm cho nông dân Mỹ cạnh tranh mạnh với cá tra Việt Nam, đã buộc Bộ Nông nghiệp Mỹ phải lập rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại đối với các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là cá tra của Việt Nam.

Tương tự vậy, tại thị trường châu Âu, hình ảnh con cá tra Việt Nam bị giới truyền thông của các nước EU "bôi nhọ", khiến cho người tiêu dùng châu Âu dè chừng hơn với con cá tra nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, thị trường giảm mạnh nhất là Tây Ban Nha.

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, thậm chí nhiều hệ thống siêu thị tại Tây Ban Nha còn gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm cá tra Việt Nam ra khỏi kệ trong siêu thị. Điều này làm cho sản lượng cá tra xuất khẩu sang đất nước này giảm 70%, một con số gây bất ngờ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước những thách thức kể trên trong 1 năm qua, cả cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải đoàn kết để tìm hướng đi, chinh phục thị trường cho từng ngành hàng cụ thể.

Theo  vinanet