Khảo sát hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa huyện Châu Phú
Sáng ngày 03/8/2017, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang (ATIP) đã phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Châu Phú và UBND xã Bình Thủy khảo sát và làm việc với Cơ sở sản xuất Mực, Xoài sấy Như Bình và Cơ sở Trái cây sấy Đại Phát.

Responsive image
Khảo sát và làm việc tại Cơ sở sản xuất Mực, Xoài sấy Như Bình

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Niêu - Chủ Cơ sở sản xuất Mực, Xoài sấy Như Bình cho biết: cơ sở hiện có gần 60 lao động gia công chế biến, sản phẩm chính là xoài sấy dẻo, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên hiện nay cơ sở chỉ sản xuất gia công theo đơn đặt hàng của đối tác chưa có bao bì nhãn mác, thương hiệu riêng, sản phẩm làm ra cho lợi nhuận thấp, vì vậy ông Niêu đang xúc tiến in bao bì nhãn mác, mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư kho lạnh, chủ động tiếp cận thị trường.

Trao đổi với ông Nguyễn Hùng Niêu, Bà Phan Thị Yến Nhi - Giám đốc ATIP đã tư vấn cho cơ sở sản xuất theo hướng tiết kiệm chi phí, sản phẩm trình bày đẹp bắt mắt thu hút người tiêu dùng, bao bì đóng gói từ 100gr – 200gr bao gồm loại có đường và không đường tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch và khách ăn vặt, hiện soài sấy dẻo đã được tiêu thụ trên thị trường, do đó nếu cơ sở tiến hành đóng gói bao bì nhãn mác, xây dựng thương hiệu riêng thì việc tiếp cận thị trường rất thuận lợi. Để hỗ trợ cho Cơ sở sản xuất Mực, Xoài sấy Như Bình, Trung tâm sẽ tư vấn thiết kế bao bì nhãn mác, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xem xét hỗ trợ đầu tư theo quy định, đồng thời quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua các hội chợ triển lãm, phiên chợ...

Responsive image
Khảo sát và làm việc tại Cơ sở Trái cây sấy Đại Phát

Trong ngày, đoàn cũng đã đến khảo sát tại Cơ sở Trái cây sấy Đại Phát, chị Lê Thị Uy Linh – Chủ Cơ sở cho hay: cơ sở có gần 20 lao động gia công chế biến, sản phẩm chính là củ quả sấy khô như: mít, chuối, khoai, khổ qua, củ sen, cà rốt...tổng vốn đầu tư nhà máy chế biến trên 5 tỷ đồng, công suất khoảng 300kg thành phẩm/ngày, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Đà Lạt và Trung Quốc. Cũng giống như Cơ sở sản xuất Mực, Xoài sấy Như Bình, sản phẩm Cơ sở Trái cây sấy Đại Phát không có bao bì nhãn mác, chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng của đối tác, vì thế việc sản xuất rất thụ động, có tháng hoạt động cầm chừng 15 ngày và chỉ đắt hàng vào những tháng cận Tết âm lịch.

Trao đổi với đoàn khảo sát, chị Linh cho biết, các đối tác mua sản phẩm của chị bán ra thị trường với giá gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần nếu bán tại các siêu thị. Trước đây chị đã có kế hoạch đầu tư đóng gói bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu, tuy nhiên chi phí in bao bì, đăng ký nhãn hiệu khá cao, trong khi nhà máy được đầu tư bằng vốn trả góp nên chị không có khả năng thực hiện.  

Responsive image
 

Bà Phan Thị Yến Nhi - Giám đốc ATIP nhận định: sản phẩm củ quả sấy khô của Cơ sở Trái cây sấy Đại Phát có chất lượng khá ngon, không phẩm màu hóa chất, không chất bảo quản, hương vị hoàn toàn tự nhiên rất có tiềm năng. Tuy nhiên, sản phẩm không bao bì nhãn mác thì không thể đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ được, để cơ sở phát triển ổn định lâu dài thì cần phải làm bao bì sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, tiến đến xây dựng thương hiệu, đây là quá trình đòi hỏi thời gian thực hiện và cơ sở có bước chuẩn bị ngay lúc này. ATIP sẽ hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác, đồng thời kết nối Siêu thị Tứ Sơn và một doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc ký hợp đồng tiêu thụ với cơ sở.

Nhìn chung các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa hiện nay đa số gặp phải khó khăn ở khâu bao bì nhãn mác và xây dựng thương hiệu, đã đến lúc sở ngành, chính quyền địa phương cùng đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện các cơ sở sản xuất phát triển, tiến lên thành lập doanh nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu đạt 01 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ.

Bá Đăng