Xuất khẩu nông sản và rào cản thương mại ngày càng tăng
Để phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến của ta hiện có quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực kinh doanh, quản trị còn hạn chế. Sản phẩm các mặt hàng chủ lực có sức cạnh tranh yếu, chủ yêu dưới dạng thô, chưa có nhiều giá trị gia tăng, hơn 80% chưa có thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, hiện đang được bán dưới các thương hiệu nước ngoài. Mặt khác, thị trường xuất khẩu của ta chủ yếu chỉ là các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh từ các nước có các mặt hàng tương tự.

 
 

Hàng nông sản Việt Nam chỉ có khoảng 5% đạt tiêu chuẩn quốc tế do vậy,  việc vượt qua những rào cản kỹ thuật mà Quốc tế dựng lên ngày càng nhiều và phức tạp gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự thờ ơ của doanh nghiệp với quy trình sản xuất, chế biến nhất là trong việc nắm bắt các quy định của thị trường xuất khẩu nên hàng nông sản của ta thường bị trả về do chưa đáp ứng đủ và đúng các yêu cầu của các nước lớn và khắt khe như EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản…

Nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nhiều nước, giá chưa phục hồi lại phải đối đầu với việc thị trường truyền thống đang bão hòa và gia tăng mức độ bão hộ. Ngay tại thị trường Trung Quốc, do thu nhập tăng nên người tiêu dùng Trung Quốc đang có nhu cầu cao hơn đối với các loại gạo chất lượng cao, thị trường gạo Trung Quốc không còn dễ tính như trước, không còn chuộng gạo giá rẻ, mặt khác, chính sách nhập khẩu thay đổi liên tục về lượng gạo, loại gạo nên thị trường gạo của Việt Nam cũng bị tác động theo.

Mặc dù hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là nhóm đứng đầu về xuất khẩu sang thị trường này tuy nhiên các mặt hàng này sẽ có khả năng chững lại do nguồn cung các mặt hàng của nước này khá dồi dào do thời tiết thuận lợi và bị ảnh hưởng do việc Trung Quốc mở rộng nguồn cung bằng cách thuê đất của các nước láng giềng trong khu vực đề trồng.

Trong thời gian tới, do nhu cầu thị trường tăng, có thêm các ưu đãi về thuế theo lộ trình cam kết của các FTA, xuất khẩu nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội khởi sắc, tuy nhiên các hợp tác xã, doanh nghiệp cần phải chú ý những vấn đề sau:

- Nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu, đặc biệt là tiêu chuẩn Global Gap vì đây sẽ là chuẩn yêu cầu của thị trường trong tương lai.

-  Doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cần có chiến lược kinh doanh dài hạn về sản phẩm, về thâm nhập thị trường phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường, đồng thời có chiến lược đầu tư chế biến sâu các mặt hàng nông sản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và cho chính mình.

- Nông dân, Hợp tác xã, Doanh nghiệp cần trang bị kiến thức thị trường, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phâm, đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu về kiệm dịch động, thực vật cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, bao bì, ghi nhãn….

- Phải đảm bảo sản phẩm có quy trình sản xuất tốt, có chất lượng tốt, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thông qua một tổ chức thứ ba, tổ chức phi chính phủ để giảm chi phí, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản Việt trên trường quốc tế.

- Tranh thủ tối đa các ưu đãi về thuế và các ưu đã về xuất xứ tại các FTAs sẽ có hiệu lực từ 2018.

Nhà nước tăng cường việc đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường phục vụ cho việc sản xuất và xuất khẩu để tránh thiệt hại và giảm rủi ro không cần thiết cho nông dân và doanh nghiệp; đồng thời sửa đổi bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng, xây dựng và nâng cao thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế; tìm kiếm cơ hội hợp tác và đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản chủ lực.

Nt