Quyết tâm thúc đẩy đàm phán RCEP
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan, đã diễn ra từ ngày 4-10/9 tại Manila, Philippines. Các bộ trưởng kinh tế của 16 nước châu Á - Thái Bình Dương đã thống nhất cùng định hướng cho các cuộc đàm phán, hướng tới việc đạt được kết quả đáng kể vào cuối năm nay - Ông Ramon Lopez - Bộ trưởng Thương mại Philippines.

Responsive image
 

RCEP do ASEAN dẫn dắt là một hiệp định thương mại khu vực đầy tham vọng, chiếm tới 30% khối lượng thương mại và GDP toàn cầu. Hiệp định này nhằm tạo ra các mối liên kết kinh tế mạnh mẽ hơn cho các nước tại bốn khu vực, gồm Đông Bắc Á, châu Đại Dương, Nam Á và Đông Nam Á, cũng như củng cố mối quan hệ kinh tế giữa 48% dân số thế giới. Với RCEP, ASEAN không những có thể khẳng định vị thế trung tâm của mình trong nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mà còn thu hút lợi ích kinh tế và chính trị từ thoả thuận thương mại đến từ 16 nước thành viên. Mục tiêu của RCEP là tiến đến một thỏa thuận đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích chung.

RCEP sẽ giảm thiểu sự phức tạp của các hệ thống thuế quan trên bằng cách cắt giảm các quy tắc và thủ tục liên quan tới hải quan và hạ tầng thương mại. Thực tế, các doanh nghiệp ASEAN sẽ chỉ phải tuân theo 1 thay vì 5 hệ thống thủ tục khi giao dịch với các đối tác của RCEP. Điều này chắc chắn sẽ làm cho việc kinh doanh trong khu vực trở nên dễ dàng hơn và tăng sự hấp dẫn của ASEAN với tư cách là một điểm đến về đầu tư và thương mại.

Các chuyên gia nhận định trở ngại lớn nhất trong tiến trình đàm phán RCEP là vấn đề thuế quan. Trong số những nước tham gia đàm phán RCEP, các nước phát triển bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, những nước này hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức mà TPP dự kiến đạt được.

Mặt khác, những nước mới nổi như Ấn Độ phải đối mặt với sự phản đối của các ngành công nghiệp trong nước. Do đó, lập trường của họ là việc hướng tới mức độ tự do hóa cao như TPP là không thực tế. Những nước tham gia đàm phán RCEP bất đồng về mức hạ thuế quan và thời gian thực hiện những cắt giảm thuế quan đã được nhất trí.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu đàm phán RCEP. Cho đến nay các nhà đàm phán đã có 19 cuộc thảo luận. Mục tiêu của họ là đạt được thỏa thuận tổng quát trước cuối năm nay. Tuy nhiên, các bộ trưởng kinh tế tới từ 16 nước châu Á - Thái Bình Dương tham gia đàm phán RCEP tại thủ đô Manila thừa nhận các bên sẽ không đạt được một thỏa thuận trong năm nay, do khác biệt trong các mục tiêu giảm hoặc cắt bỏ thuế, cũng như việc mở cửa các dịch vụ. Có ý kiến đánh giá rằng RCEP là một thỏa thuận thương mại “chất lượng thấp", do các điều khoản chỉ tập trung vào việc giảm thuế giữa các nước trong ASEAN và các nước láng giềng của khối. Nhật Bản và Australia muốn có một thỏa thuận thương mại "chất lượng cao" bao gồm cả các lĩnh vực như dịch vụ - đầu tư.

Những quan điểm trái ngược trên đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới và khiến các chuỗi cung ứng của khu vực này trở nên cạnh tranh hơn.

Nt (tổng hợp)