An Giang: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó rau màu phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng, để khai thác hiệu quả hơn, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh An Giang đã triển khai xây dựng 20 nhà lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) như trồng lúa, nấm và rau màu nhằm giúp nông dân giảm chi phí tăng lợi nhuận.

Responsive image
 

Thực hiện NQ 09 của Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã triển khai xuống các huyện trong đó có An Phú, An Phú là một trong những huyện nằm giáp biên giới Campuchia nhưng đã triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo Phòng NN-PTNT huyện An Phú mỗi năm huyện trồng trên 7.400ha rau màu các loại với sản lượng trên 50.000 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu các tỉnh ĐBSCL và xuất khẩu sang Campuchia.  Để triển khai mô hình SX rau màu theo mô hình NNCNC, huyện chọn xã Khánh An và Phú Hữu để thực nghiệm, bước đầu đã đem lại khá thành công. Đến nay đã triển khai mở rộng diện tích trên các địa bàn khác trong huyện. Điểm nổi bật nhất là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đã mang lại thành công nhiều vụ do Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao An Phú (huyện An Phú) tiên phong áp dụng. Công ty trồng 3 vụ dưa lưới trên diện tích 1.000m2, thời gian 75 ngày cho thu hoạch trên 3,6 tấn, dưa trồng ra được Công ty Vuông Tròn ở TP.HCM bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg (loại trên 2kg/trái) và 25.000 đồng (loại dưới 2kg/trái), thu trên 98 triệu đồng, trừ chi phí, lãi gần 60 triệu đồng.

Hiện nhu cầu NNCNC là rất lớn, doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn để cung cấp cho siêu thị và xuất khẩu, nhưng nguồn cung không đủ. Tỉnh An Giang đang chủ trương nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời nhờ các chuyên gia ở các viện, trường... tập huấn kỹ thuật để nông dân tiếp cận trình độ canh tác mới giúp tăng lợi nhuận và cho ra sản phẩm chất lượng. “Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp, mà còn là chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững của tỉnh An Giang. Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường”.

Theo NNVN