NHỮNG ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN TẠI TRI TÔN
Tri Tôn sở hữu 04 ngọn núi trong dãy Thất Sơn với cảnh quang thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp cùng những di tích văn hóa lịch sử cách mạng hào hùng hấp dẫn du khách đến khám phá, tìm những giây phút thư giãn và lưu lại những bức ảnh ấn tượng.

Responsive image
 

 


Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn): là ngọn núi cao thứ nhì trong dãy thất sơn với độ cao 614m. Núi Tô như con chim khổng lồ sải cánh giữa đồng bằng nên có tên khác là Phụng Hoàng Sơn. Cách thị trấn tri Tôn chỉ vài km, Núi Tô cây cối dày đặc, tươi tốt, đèo dốc hiểm trở hấp dẫn những người thích leo núi. Tại khu vực sân tiên có chữ TRI TÔN, mỗi chữ cái cao 7m, nằm trên bệ đỡ cao từ 1,5 - 2m, có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hàng rào xung quanh để bảo vệ du khách. Nhìn từ chân núi Tô, có thể thấy và chụp hình rõ chữ “TRI TÔN”, xem như lời chào mời của huyện đối với du khách. Còn từ vị trí chữ “TRI TÔN” trên núi, có thể quan sát được toàn cảnh đẹp bên dưới. Muốn lễ phật, du khách có thể đến chùa Bồng Lai hoặc chùa Vân Long rồi lên vồ Hội ngồi nghỉ ngơi hóng gió trời ngắm cảnh.

Hồ Soài So: nằm ngay dưới chân núi Tô, do suối Vàng bắt nguồn từ đỉnh núi chảy qua các vồ đá, khe núi rồi đổ về hồ. Nước hồ trong vắt, phẳng lặng, soi bóng ngọn núi Tô tạo thêm nét quyến rũ, nên thơ. Hồ Soài So có phong cảnh đẹp với bầu khí hậu mát mẻ, trong lành thích hợp cho việc thư giãn, tham quan phong cảnh thiên nhiên.

Hồ Tà Pạ: cách thị trấn Tri Tôn 1km, từ việc khai thác đá trên đồi Tà Pạ, vô tình đã tạo nên một hồ đá chứa nước với vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí, người dân địa phương gọi là hồ Tà Pạ. Nước trong hồ mỗi khúc lại có màu sắc khác nhau, khúc xanh lục, khúc xanh lơ, khúc màu ngọc bích, khúc màu vàng cam,…tạo nên cảnh quan như một bức tranh thủy mặc. Đường vào hồ rất hoang sơ và yên tĩnh nối liền với chùa Chưn Num, một ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo.

Responsive image
 

Chùa Chưn Num: Chùa Núi (Chùa Chưn-Num theo tiếng Khmer) nằm trên đồi Tà Pạ - Tri Tôn. Ngôi chùa được xây theo kiểu “tàm thực” nghĩa là bổn đạo quyên tiền đến đâu thì tiến hành xây đến đó. Trên tất cả các bức tường hay khắp các cột kèo, cánh cửa đều được các nghệ nhân Khmer điêu khắc và trang trí bằng những hình ảnh được lấy cảm hứng chủ yếu từ cuộc đời của đức Phật và đời sống cộng đồng người Khmer tạo nên nét độc đáo rất riêng cho ngôi chùa. Từ thị trấn Tri Tôn, có thể nhìn thấy được hình dáng ngôi chùa hiện lên với màu vàng đồng thấp thoáng giữa màu xanh của cây cối tựa như cảnh bồng lai. Từ trên ngôi chùa du khách sẽ được ngắm toàn bộ cảnh quan thị trấn Tri Tôn, các ngọn núi như Núi Tô, Núi Cấm, Núi Dài và các cánh đồng bất tận tạo nên một bức tranh xen kẽ những màu xanh, vàng lạ mắt.

Chùa Xvayton: là công trình kiến trúc nổi tiếng được xây dựng cách đây 300 năm nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn. Tên Xvayton bắt nguồn từ tiếng Khmer, Xvay là khỉ, ton là kéo do ngày xưa ở đây có nhiều khỉ sinh sống thường níu kéo gánh của người dân gánh đồ đi chợ. Chùa Xvayton không chỉ nổi tiếng vì có kiến trúc nghệ thuật độc đáo và lịch sử lâu đời mà còn được biết đến là nơi có vị sãi cả đã khởi xướng việc viết kinh trên lá buông để thuyết giảng và lưu truyền cho đời sau trong điều kiện in ấn còn khó khăn. Chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1996.

Chùa Hàng Còng: chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram (tên khác là Krăng Krốch, tọa lạc ấp An Hòa, xã Châu Lăng, Tri Tôn) là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng đến bên trong, có bề dày lịch sử hàng trăm năm nên còn được người dân và du khách gọi là chùa Hàng Còng. Đường đi vào chùa trải dài theo hàng cây còng, mà cây nào cũng có hoành to, 2-3 người ôm mới xuể. Các nhánh cây hướng vào nhau, tạo thành mái vòm thiên nhiên, thu hút các nhiếp ảnh gia từ chuyên nghiệp đến không chuyên của An Giang đến để chụp ảnh.
Di tích lịch sử Đồi tức dụp: Tức Dụp còn gọi là ngọn đồi 2 triệu đô la, là giá trị của bom đạn trong thời kỳ chiến tranh mà Mỹ cương quyết san bằng nhưng bất lực. Đồi Tức Dụp cao khoảng 300m, thuộc địa phận núi Tô. Hiện nay, Tức Dụp là di tích lịch sử được Bộ Văn hóa xếp hạng. Với quang cảnh hữu tình, Tức Dụp chào đón du khách đến ngắm cảnh núi non hùng vĩ và khám phá các hang di tích như hang C6, hang Quân y, hang thanh niên, hội trường tỉnh ủy,…
Di tích lịch sử Ô Tà Sóc: Ô Tà Sóc tiếng Khmer nghĩa là Suối Ông Sóc, nằm trên Núi Dài (Ngọa Long Sơn). Nơi đây địa hình hiểm trở, hang động luồn lách khó dò, cây rừng dây leo chằng chịt nên Tỉnh Ủy An Giang chọn làm căn cứ kháng chiến từ năm 1962 đến 1967. Từ đường lộ vào đến chân Núi khoảng 2.5 km qua những vườn cây ăn trái và rừng tầm vong rất đẹp. Theo lối mòn lên núi xuyên qua những tàn cây và những dòng suối chảy róc rách, trên đầu là tiếng chim hót làm tâm hồn du khách thấy sảng khoái.

Nhà mồ Ba Chúc: thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 7km, có nhiều đồng bào Khmer sinh sống và là trung tâm của đạo Tứ n Hiếu Nghĩa. Nhà mồ Ba Chúc là địa điểm ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt đã xâm lược và sát hại hàng ngàn người dân vô tội. Hiện nay Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng lại với kiến trúc hình búp sen trắng, bên trong là những dãy khung kiến đựng hài cốt. Hàng năm, vào ngày 16.3 âm lịch, nhân dân Ba Chúc tập trung tại nhà mồ cúng tế và tổ chức ngày giỗ hội căm thù. Gần nhà mồ là Chùa Tam Bửu và Chùa Phi Lai, nơi trú ẩn của người dân trong nạn diệt chủng Pôn Pốt, vẫn còn lưu lại nhiều chứng tích đẫm máu.

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 

Bích Phương