TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI NGÀNH DU LỊCH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN”
Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cơ sở bám sát nhiệm vụ tái cơ cấu ngành du lịch Chính phủ đã đề ra nhằm xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, với mục tiêu: Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách; tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong GRDP của tỉnh lên 15,3%; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách với số ngày lưu trú bình quân là 3,0 ngày; có thêm ít nhất 01 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.

Responsive image
 

 

Theo nội dung Kế hoạch, cơ cấu lại ngành du lịch bao gồm các nội dung: Cơ cấu lại thị trường khách du lịch; Củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý; Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; Cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch; Sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý du lịch.

Việc triển khai thực hiện các nội dung này sẽ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch… để An Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch có uy tín và sức cạnh tranh cao trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước; ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên - văn hóa, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao, đẩy mạnh kết nối với các ngành, các lĩnh vực để hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo cho du khách và người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch; Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc địa phương và có thương hiệu; từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.

Bích Phương