LÃNH MỸ A - NỮ HOÀNG CỦA CÁC LOẠI LỤA


Lãnh Mỹ A được coi là nữ hoàng của các loại lụa, là niềm tự hào của xứ lụa Tân Châu. Thời thịnh nhất của loại vải cao cấp này là những năm 1950 - 1960, chỉ có các quý bà, quý cô thuộc gia đình giàu sang, quyền quí mới đủ tiền để mua Lãnh Mỹ A may áo dài. Lãnh Mỹ A không chỉ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh mà còn được xuất cả sang Campuchia, Lào... Lúc ấy, ở Tân Châu hầu như nhà nào cũng làm Lãnh Mỹ A.

 

Nhờ quy trình dệt, nhuộm vô cùng phức tạp được lưu truyền từ đời này sang đời khác, Lãnh Mỹ A đến nay vẫn là thứ lụa tuyệt vời. Lãnh Mỹ A được dệt từ tơ tằm 100% bằng phương pháp dệt satin 8 và nhuộm từ trái mặc nưa. Mặc nưa là loại trái chỉ có thể trồng trên đất phù sa màu mỡ mới cho trái nhiều dầu, mủ đạt tiêu chuẩn. 

Lãnh Mỹ A có đặc tính mặc ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Lãnh luôn có một mặt bóng và một mặt mờ. Bề mặt lãnh mịn màng, đen bóng, càng dùng lâu càng trở nên óng ả với hương thơm mặc nưa đặc trưng. Từ lâu, Lãnh Mỹ A đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế trong và ngoài nước. Năm 2006, Lãnh Mỹ A được nhà thiết kế Võ Việt Chung áp dụng trong bộ sưu tập áo dài được trình diễn nhiều nơi như Thượng Hải (Trung Quốc), Australia, New Zealand... Năm 2016, nhà thiết kế Công Trí tiếp tục sử dụng loại lụa này trong bộ sưu tập các loại váy liền thân dáng suông, váy chữ A, áo vest… Năm 2017, Đêm thời trang The Dreamers - Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại đã giới thiệu đến công chúng hơn 100 bộ trang phục làm từ Lãnh Mỹ A. Năm 2019, nhà thiết kế Patrick Phạm giới thiệu bộ sưu tập Ngọc Viễn Đông ở Tuần thời trang Paris Thu Đông 2019 gồm vest, trang phục dạ hội và váy cưới, chất liệu chủ đạo là Lãnh Mỹ A, thổ cẩm.

Thế nhưng, nữ hoàng của các loại lụa lại có nguy cơ biến mất do làn sóng sử dụng sợi ni lông, việc thiếu nguyên liệu nhuộm cũng như thợ nhuộm lành nghề. Từ một làng nghề trù phú giờ đây chỉ còn duy nhất gia đình ông Tám Lăng còn giữ nghề làm Lãnh Mỹ A truyền thống.

Từ những năm 1970, sợi ni lông bắt đầu thay cho tơ lụa truyền thống. Do giá thành rẻ, dễ sử dụng nên sản phẩm làm ra được ưu chuộng hơn. Lãnh Mỹ A khi may phải dùng kim tròn và nhỏ để tránh đâm trúng sợi tơ. Khi thiết kế phải làm sao để phối hợp Lãnh Mỹ A với các chất liệu khác cho hài hòa và phù hợp nhất. Giá thành lãnh quá cao, khoảng 500.000 đồng/m2 không mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà thiết kế nên sản phẩm khó tìm đầu ra. Bên cạnh đó, dệt vải ni lông bằng máy tiện dụng hơn, nhuộm màu công nghiệp cũng dễ hơn chứ không kỳ công như Lãnh Mỹ A nên cả làng gần như bỏ nghề.

Những năm gần đây, cây mặc nưa bị đốn hạ do người dân chạy theo giá trị kinh tế, bởi trồng mặc nưa mất 3-5 năm mới ra trái, và chỉ cho trái từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch, giữ được chừng 1 - 2 ngày là hết mủ, không cách nào bảo quản được, khi bán giá thành lại rẻ. Mặc nưa cứ thế ít dần, hiện chỉ còn lác đác ở một số nơi trong vùng, thương lái tự đến thu hái, trả tiền. Gần đây, do mặc nưa mất mùa, ngành dệt Lãnh Mỹ A ở thị xã Tân Châu gặp nhiều khốn đốn do thiếu nguyên liệu nhuộm vì không thể thay thế bằng các hình thức nhuộm khác.

Để làm ra Lãnh Mỹ A người thợ phải trải qua 6 công đoạn gồm quay tơ, mắc cửi, kế, suốt, dệt và nhuộm. Lúc dệt, mỗi người thợ chỉ canh một khuôn dệt để giữ cho tơ không bị gợn, trong khi dệt công nghiệp có thể đứng 5 - 6 khuôn. Nhuộm một cây Lãnh Mỹ A dài 20m, khổ 90cm phải tốn khoảng 80 - 100kg trái mặc nưa trở lên, trải qua khoảng 100 lần vắt và xả, để chất nhựa thấm sâu vào từng thớ sợi, từ đó giúp vải bền lâu, khó sờn màu. Lãnh Mỹ A chỉ có thể phơi trên cỏ và khô nhờ nắng gió tự nhiên chứ không thể bằng loại máy sấy nào. Thế nên từ sớm tinh mơ, thợ nhuộm đã phải ra đồng nghiền và vắt mặc nưa. Nếu trời nắng đẹp nhuộm một cây vải trung bình mất 2-3 tháng mới hoàn thành. Những lúc mưa dầm, nhuộm hoài không xong thì còn kéo dài hơn. Vì vậy, thợ dệt bỏ nghề gần hết vì quá cực, những người trẻ lại không muốn kế thừa nghề.

Đứng trước nguy cơ làng nghề truyền thống bị mai một, gia đình ông Tám Lăng đã sáng tạo thêm màu sắc khác để nhuộm ngoài màu đen truyền thống như: màu kem, xám ghi, vàng đồng... sử dụng chất liệu nhuộm từ thiên nhiên như dây cóc, huyết rồng, lá cẩm... Vải các màu này được gọi là Lụa Mỹ A. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng nhập máy móc của Nhật để thêm hoa văn trên lụa, nhằm khôi phục Lãnh Mỹ A xưa có hoa văn như: bông dâu, mặt đệm, bông Thượng Hải...

Tuy nhiên, để Tân Châu vực dậy thời hoàng kim của Lãnh Mỹ A, các cơ quan quản lý, các ngành chức năng cần có chính sách để hỗ trợ các hộ làm nghề về quy hoạch vùng nguyên liệu, đào tạo nghề cũng như các công nghệ, máy móc,… Hướng dẫn các hộ làm nghề chiến lược quảng bá sản phẩm đến phân khúc khách hàng thích hợp để đảm bảo đầu ra.

Bích Phương