CHÂU THÀNH ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA – LỊCH SỬ, LÀNG NGHỀ
Nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn huyện năm 2020, UBND huyện Châu Thành đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, làng nghề với những hoạt động hấp dẫn như: Tổ chức tham quan và trải nghiệm hoạt động khai thác nông nghiệp khu vực Dinh Sơn Trung; Thưởng thức ẩm thực đặc sản của địa phương tập trung vào các món ăn đặc trưng của 04 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer; Sinh hoạt không gian văn hóa đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương...; Tổ chức sinh hoạt các trò chơi dân gian, khu mua sắm quà lưu niệm và ẩm thực; Giới thiệu các làng nghề truyền thống của huyện, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, du khách còn có nhu cầu được tìm hiểu những giá trị nhân văn – trong đó có tập quán, nếp sống của người dân địa phương thông qua tìm hiểu làng nghề.

Responsive image
 

Các địa điểm được chọn đầu tư là Dinh Sơn Trung, các làng nghề Lợp lươn, Mùng mền, Rập chuột:
- Dinh Sơn Trung: là địa danh lịch sử gắn với cuộc khẩn hoang, lập ấp ở Láng Linh và cuộc đấu tranh chống Pháp của Đức Quản cơ Trần Văn Thành cùng với nghĩa quân tại căn cứ Bảy Thưa. Về cơ sở vật chất, Dinh được xây dựng khang trang, rộng rãi, thoải mái thoáng mát. Ngoài khu chánh điện để thờ cúng và khu tái hiện di tích lò rèn còn có thêm nhà ăn, khu Đông lang và Tây lang để khách nghỉ ngơi, bãi giữ xe và hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ. Khu vực xung quanh Dinh có cảnh quang đẹp, đặc trưng miền Tây, đặc biệt là khi mùa nước nổi. Nơi đây có đồng ruộng, kênh rạch thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động nông nghiệp, trải nghiệm mùa nước nổi như: chài lưới, giăng lưới, đặt dớn, bắt cá, đua xuồng… Người dân địa phương chủ yếu làm nông và bắt thủy sản vào mùa nước nổi. Nếu được tổ chức, hướng dẫn, các hoạt động hàng ngày của họ có thể hình thành sản phẩm du lịch. Với lực lượng có sẵn tại Dinh và sự tham gia của người dân địa phương có thể phục vụ đoàn khách lên đến 100 – 200 người. Như vậy, Dinh Sơn Trung phù hợp để xây dựng sản phẩm du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử kết hợp sinh thái nông nghiệp. Dinh Sơn Trung đã được chọn là sản phẩm dịch vụ du lịch – lễ hội truyền thống của huyện (sản phẩm OCOP). Dinh Sơn Trung đang được hoàn tất hồ sơ minh chứng để trình UBND tỉnh thẩm định công nhận sản phẩm OCOP.

- Làng nghề Lợp lươn ở xã Cần Đăng: được công nhận làng nghề vào năm 2017. Nơi đây chính là nơi khởi nguồn ra cách làm lợp lươn. Điểm đặc biệt và độc đáo của làng nghề Lợp lươn là vẫn giữ nguyên nét truyền thống cũ, lợp lươn được làm bằng tre vót nhỏ, đan lại với nhau hết sức công phu, so với bẫy lương bằng ống tre và ống nhựa như các địa phương khác, lợp lươn mang lại năng suất cao hơn, dễ sử dụng hơn nên được bán rộng rãi đến nhiều tỉnh, thành phố. Nhờ đó mà làng nghề ngày càng phát triển, hiện có hơn 300 hộ làm nghề.
- Làng nghề Mùng mền và Rập chuột: cũng có truyền thống lâu đời và công nhận từ rất sớm nằm ngay trên vị trí cửa ngõ vào huyện hướng đi từ thành phố Long Xuyên.
Được biết, du lịch tại huyện Châu Thành sẽ đón khách quanh năm, cao điểm là mùa nước nổi và lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành (ngày 20, 21 và 22 tháng 2 âm lịch hàng năm).

Bích Phương