Dốc lực cho năm 2017
Như những nhận định trong năm 2016, thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nội tại và những thách thức của thị trường; sang năm 2017, những bất lợi này dường như vẫn còn đó. Điều này đòi hỏi phải có sự quyết tâm và dốc sức của toàn ngành để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm giúp ngành thủy sản vượt qua rào cản, phát triển bền vững.

 
 

Vượt rào cản     

Thủy sản đang là xu hướng tiêu dùng được lựa chọn nhiều hơn trong bối cảnh có nhiều chuyển biến về dịch bệnh, chất dinh dưỡng; các nước bắt đầu chú trọng vào đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này tạo ra xu hướng đẩy sản phẩm thủy sản của Việt Nam thụt lùi tại các thị trường.

Ngay từ đầu năm, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã bị một số thị trường tăng cường các rào cản thương mại, đặc biệt là trong vấn đề kháng sinh; ghi nhãn xuất xứ, lấy mẫu kiểm tra AND. Thêm vào đó, vấn đề thủ tục hành chính nhiều cũng là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp thủy sản. Rồi chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng là biện pháp được các nước sử dụng thường xuyên hơn. Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ Australia đã cấm nhập khẩu các mặt hàng tôm chưa nấu chín từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, do liên quan đến dịch bệnh virus đốm trắng ở tôm nuôi của nước này. Hàng loạt lô tôm của các doanh nghiệp xuất khẩu đã không được nhập khẩu vào thị trường nước này. Sau Australia, đến lượt Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm dịch với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào nước này, trong đó có mặt hàng tôm mà Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn nhất. Với cá tra, mới đây chuỗi bán lẻ lớn nhất châu Âu Carrefour, Tập đoàn Esselunga sẽ ngừng bán các sản phẩm cá tra tại tất cả cửa hàng của tập đoàn này do lo ngại những tác động tiêu cực lên môi trường của các trại nuôi cá tra.

Còn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn còn vướng những rào cản nhất định. Với con tôm, chính là con giống, có đến 100% tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn giống tôm sú cũng không khá khẩm hơn khi phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, chưa kiểm soát được chất lượng. Chất lượng vật tư đầu còn cao; hạ tầng vùng nuôi chưa được quy hoạch bài bản. Với cá tra, đó là vấn đề truyền thông bôi nhọ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như trước đây, cá tra được coi là “con cá vàng” khi mang về hàng tỷ USD xuất khẩu cùng sự nổi lên của rất nhiều đại gia về xuất khẩu cá tra; Nhưng, hiện trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và đã phải phá sản, lâm cảnh nợ nần; người nuôi cũng vì thế mà lao đao theo con cá này.

Nhiều khó khăn, thử thách

2017 được nhận định là năm có không ít khó khăn của ngành nông nghiệp  nói chung trong đó có lĩnh vực thủy sản, tuy nhiên, tình hình thời tiết, hạn mặn sẽ không diễn ra khốc liệt như năm 2016. Vì vậy, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành thủy sản tạo ra bứt phá tiếp theo cho nuôi tôm sau thành công bất ngờ của năm 2016, đó cũng là chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản năm 2017.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, với hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra cần có những chương trình và kế hoạch hành động cụ thể, khắc phục nội tại và vượt qua rào cản. Với con tôm, cần khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Theo đó, tiếp tục xác định tôm sú, tôm thẻ chân trắng là đối tượng sản phẩm chủ lực quốc gia; bên cạnh đó, quan tâm phát triển đối tượng tôm hùm tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, tôm càng xanh tại một số tỉnh ĐBSCL. Cùng đó, cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng; nâng cao giá trị gia tăng của tôm bằng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ tôm; chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu; kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào; từng bước chủ động việc sản xuất cung ứng giống tôm bố mẹ; tham mưu để Bộ/Chính phủ có cơ chế chính sách tốt huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, công nghệ nuôi, chế biến tôm của các doanh nghiệp.

Đối với sản xuất, tiêu thụ cá tra, tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế quản lý đối tượng cá tra như hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về quản lý cá tra (thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP); gấp rút xây dựng và trình ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định về quản lý cá tra và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến cá tra. Đồng thời, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị của Bộ và các bộ, ngành liên quan tham mưu nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao chủ động ứng phó với Chương trình giám sát cá da trơn theo Đạo luật Nông trại (Farmbill) của Mỹ; tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 3 thị trường: Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng đó, là mở rộng phát triển các đối tượng thủy sản đặc sản khác tại các vùng miền…

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng xác định rõ, khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng phục vụ tái cơ cấu và tăng trưởng của ngành thủy sản, yêu cầu Tổng cục Thủy sản tham mưu, đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017 - 2022 tập trung vào các đối tượng thủy sản chủ lực; Hoàn thiện và trình ban hành kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản; Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nuôi trồng, khai thác.

Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam