An Giang: Tổ chức Hội thảo “Phân tích, đánh giá chuyên sâu về tác động của chỉ số PCI đến môi trường kinh doanh”
Ngày 19/4, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo “Phân tích, đánh giá chuyên sâu về tác động của chỉ số PCI đến môi trường kinh doanh tỉnh An Giang”, Hội thảo do ông Nguyễn Thanh Bình – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh và ông Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì; khách mời tham dự có ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan và hơn 100 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Responsive image

Ông Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của các chuyên gia về PCI và báo cáo của các đại biểu tham dự xoay quanh các nội dung: tác động của PCI đến môi trường kinh doanh; sử dụng dữ liệu PCI trong xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh An Giang; khuyến nghị của chuyên gia nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, giải pháp khắc phục các chỉ số thành phần giảm so với năm trước, ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nghiệp trong tỉnh.

 

Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh An Giang trong những năm vừa qua không ngừng được cải thiện, Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong 3 năm liên tiếp đều tăng điểm và tăng hạng. Các điểm mạnh của tỉnh được thể hiện qua kết quả chỉ số PCI năm 2018 như: doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn; chi phí không chính thức được cải thiện đáng kể; môi trường kinh doanh của tỉnh bình đẳng hơn; cải cách thủ tục hành chính có bước tiến đáng kể; chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có chiều hướng cải thiện. Tuy nhiên, có 5 chỉ số thành phần giảm điểm cần phải được tiếp tục cải thiện, đang gây khó khăn và làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó một số yếu tố cần đặc biệt quan tâm như: (1) Các “giấy phép con” sau khi thành lập doanh nghiệp vẫn còn nhiều, đang một gánh nặng cho doanh nghiệp. (2) Việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, hoặc cần có “mối quan hệ” mới được tiếp cận các tài liệu của tỉnh. (3) Tình trạng “thỏa thuận” về các khoản thuế phải nộp vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. (4) Đào tạo lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, dịch vụ giới thiệu việc làm chưa phát huy hiệu quả cao. (5) Vẫn còn tình trạng ở cấp sở ngành, huyện, thị chưa thực hiện tốt những chủ trương đúng đắn cũng như những sáng kiến hay của cấp trên, thậm chí còn thụ động, tâm lý đợi chờ chứ chưa chủ động mạnh dạn đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Responsive image

Quang cảnh buổi Hội thảo

Ông Nguyễn Thanh Bình – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2019 và các năm tới rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền mới có thể tăng điểm, tăng hạng và đạt được mục tiêu vào nhóm điều hành “Tốt” của cả nước trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Tập trung những giải pháp cụ thể như sau:

  • Tiếp tục nâng cao trách nhiệm hơn nữa của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh về mục đích, yêu cầu nâng cao chỉ số PCI của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp.
  • Các sở, ngành phụ trách những chỉ số bị giảm điểm nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm cải thiện vững chắc và nâng cao chất lượng các chỉ số này. Thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung, điều chỉnh giải pháp cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển của xã hội.
  • Các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; nghiên cứu cắt giảm quy trình và thời gian giải quyết thủ tục để giảm gánh nặng chi phí thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.
  • Tăng cường tính công khai và minh bạch trong việc cung cấp thông tin liên quan đến các chính sách của nhà nước, quy hoạch đất đai, thủ tục hành chính… Đồng thời thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin phản hồi để phục vụ công tác quản lý của ngành mình, địa phương mình ngày càng tốt hơn.
  • Các công chức, viên chức phải thay đổi tư duy - chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, xem sự thành bại của doanh nghiệp là sự thành bại của tỉnh nhà, phải biết trăn trở trước khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có sự chia sẽ, cảm thông, để cùng nhau xây dựng niềm tin và đồng hành phát triển.

 

Liên Khương