Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Kinh doanh với thị trường Úc - Cách tiếp cận từ thực tiễn”
Sáng ngày 10/11, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Kinh doanh với thị trường Úc - Cách tiếp cận từ thực tiễn” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Úc tổ chức. Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì hội thảo.

Responsive image

Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu chào mừng hội thảo

Úc có diện tích 7,6 triệu km2, dân số 24 triệu dân; là bạn hàng xuất khẩu đứng thứ 8 và nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam, theo chiều ngược lại Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 14 của Úc cả về nhập khẩu và xuất khẩu. Ngày 27/2/2009, Việt Nam mà cụ thể là ASEAN và Australia, NewZeland đã ký Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Úc còn cách xa so với tiềm năng của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Úc.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc chủ yếu là thủy sản, gạo và rau quả. Năm 2016 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Úc chiếm 11,3% thị phần gồm tôm ,cá tra và cua ghẹ, trong đó tôm xuất khẩu đạt 106 triệu USD, chiếm 31.7%; cá tra xuất khẩu đạt 20 triệu USD chiếm gần 98% và cua ghẹ xuất khẩu đạt 1,1 triệu USD  chiếm 5,33%.

Gạo xuất khẩu vào thị trường Úc năm 2016 đạt 6,3 triệu USD chiếm tỷ trọng 4,6%, thị phần gạo Việt Nam tại thị trường Úc còn rất nhỏ và bị cạnh tranh rất mạnh từ gạo Thái Lan về mặt chất lượng và hỗ trợ dịch vụ. Gạo nhập khẩu vào Úc chủ yếu đáp ứng nhu cầu dân nhập cư gốc châu Á, trong khi Úc cũng là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu gạo, mỗi năm Úc dành ra khoảng 25% lượng gạo cung cấp nhu cầu trong nước, 75% còn lại dùng cho xuất khẩu tập trung phân khúc thị trường gạo cao cấp. Vì vậy mức hấp dẫn của thị trường Úc đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam là rất thấp.

Rau quả là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Úc, hiện Úc đã cấp phép nhập khẩu trái vải, thanh long và xoài. Trong thời gian tới: nhãn, vú sữa, chôm chôm và chanh dây sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Úc. Theo thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Úc, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Úc đạt 17,3 triệu USD chiếm 1% thị phần, theo đó Hoa Kỳ, New Zealand và Trung Quốc là 03 nước xuất khẩu rau quả lớn nhất sang Úc. Đa số các loại trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Úc, đều có thể trồng được tại Úc với chất lượng không hề thua kém trái cây Việt Nam, vì vậy doanh nghiệp thay vì xuất khẩu trái cây tươi nên chuyển qua xuất khẩu trái cây chế biến (xoài sấy dẻo…) để gia tăng lợi nhuận thu được cũng như tránh “đụng hàng” trái cây bản địa của Úc.

Cách tiếp cận thị trường Úc

Responsive image

 

Theo Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Đại diện Thương mại Việt Nam tại Úc kiêm Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Úc đang phải đối mặt các vấn đề như:

Quy định nghiêm ngặt của Úc về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học, hàng hóa xuất khẩu sang Úc sẽ bị kiểm tra 100% 5 lô hàng đầu tiên, nếu không vi phạm tỷ lệ kiểm tra sẽ được hạ xuống 50% rồi 25% cho 30 lô hàng tiếp theo và sau cùng chỉ kiểm tra 5% nhưng nếu các cơ kiểm tra Úc phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt lại từ đầu.

Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam kém, chất lượng hàng hóa bán cho đối tác có xu hướng giảm dần, khi giao hàng thì yêu cầu đối tác thanh toán 100% giá trị hợp đồng nhưng nếu xảy ra sự cố hàng hóa bị hư hỏng, bị lỗi hay chất lượng kém thì không chịu trách nhiệm. Trong khi các doanh nghiệp Thái Lan bán hàng rất ổn định, chất lượng hàng hóa trước sau như một, nhà nhập khẩu không phải trả tiền ngay khi nhận hàng mà được “gối đầu” và thanh toán cho lần đặt hàng tiếp theo, nếu hàng hóa bị lỗi hay hư hỏng thì nhà nhập khẩu sẽ được đổi mới hoặc khấu trừ vào hợp đồng thanh toán. Đó là chưa kể giá cả, chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác các sản phẩm Thái Lan cạnh tranh tốt hơn các sản phẩm Việt Nam; Các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau, hạ giá xuất khẩu giành hợp đồng, khi hạ giá thì đối tác nhập khẩu ở Úc cũng không mặn mà vì lợi nhuận bị hạ xuống. Tuy nhiên nghiêm trọng hơn là dẫn tới tình trạng gian lận, theo thống kê của Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản Úc có 85% doanh nghiệp Việt Nam xuất cá tra vào Úc không đúng trọng lượng (thiếu cân), dùng phụ gia giữ nước trong cá, bị người tiêu dùng phản ứng.

Văn hóa ứng xử của các doanh nghiệp Việt Nam, theo bà Thúy vấn đề đáng lo ngại nhất với doanh nghiệp Việt Nam là “văn hóa trong kinh doanh vô cùng kém, thái độ và cách phát ngôn đôi khi thiếu chuẩn mực”. Bà thường nhận được khiếu nại vi phạm hợp đồng, lỗi do doanh nghiệp Việt Nam gian lận và mỗi lần như thế là “rất xấu hổ”.

Giải pháp

Trước tiên doanh nghiệp cần xác định sản phẩm xuất khẩu có phù hợp với thị trường Úc hay không; quảng bá môi trường sản xuất chế biến: an toàn và bền vững, đạt các chứng chỉ quốc tế như Global GAP..., phúc lợi lao động; sản phẩm chế biến cần phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng (Công ty Vĩnh Hoàn thuê đầu bếp giỏi người Úc khảo sát và cung cấp thực đơn các món ăn được chế biến từ cá tra của các hộ gia đình, trên cơ sở đó công ty chế biến các món ăn cá tra để xuất khẩu vào Úc); hoạt động quảng bá: quảng bá vùng, xuất xứ hàng hóa, cách tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn; đáp ứng các quy định về ATVSTP và an toàn sinh học; quảng bá tuyên truyền về tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện chất và mẫu mã để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Lựa chọn kênh phù hợp đưa hàng hóa vào thị trường Úc: qua trung gian hay cung cấp trực tiếp: chất lượng, đóng gói; dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng; điều kiện thanh toán.

Văn hóa ứng xử và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm làm nên văn hóa kinh doanh, khi được nâng cao, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khai thác tốt thị trường Úc vô cùng quan trọng và tiềm năng.

Bá Đăng