Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị triển khai các giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2019.

Chỉ thị đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là:

1- Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế.

2- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

3- Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra.

4- Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án công nghiệp quy mô lớn, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2019.

5- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu.

6- Phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thị trường phát triển.

7- Tổ chức các Hội nghị quốc gia tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Responsive image

Trung tâm Hành chính công góp phần giảm bớt những rườm rà hành chính cho doanh nghiệp, người dân

Trong đó, về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, các bộ, ngành, địa phương phê duyệt Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể theo đúng yêu cầu.

Khẩn trương rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch trong tháng 4 năm 2019, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2015/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, trong đó có việc bãi bỏ phí công bố nội dung đăng ký, trình Chính phủ trong quý II năm 2019; đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019; xây dựng Nghị quyết của Chính phủ cụ thể hóa một số chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghiệp của doanh nghiệp, nhằm phát huy, cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cho các nội dung về đổi mới sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát huy quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty; xem xét bổ sung các quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng nhận hỗ trợ của ngân sách nhà nước thông qua Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh.

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới cho các doanh nghiệp trong nước, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm năng đóng góp lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Xây dựng nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, quản lý dự án, cấp chứng chỉ năng lực, cấp phép xây dựng; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nâng hạng chỉ số Cấp phép xây dựng, năm 2019 tăng 1 bậc, tiến tới đến năm 2021 lên 2-3 bậc.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất..., Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20-3-2019...

Responsive image

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản – thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc”

Về thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan tổ chức lại thị trường trong nước; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…; đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; tăng cường quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu để tận dụng các lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP...

Liên Khương