Hội nghị triển khai Luật Thủy sản
Ngày 19/12/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang tổ chức Hội thảo triển khai Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 tại Hội trường trụ Sở.

Responsive image
 

Đến tham dự Hội nghị gồm các sở ngành trong tỉnh, UBND các huyện thị xã, thanh phố, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: chi cục chăn nuôi và thú y, chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, trung tâm khuyến nông, trung tâm giống thủy sản, chi cục thủy sản; Phòng kinh tế, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, các tổ kỹ thuật viên thủy sản.

Ông Nguyễn Hoàng Huy phó Chi Cục trưởng Chi Cục thủy sản An Giang triển khai Luật Thủy sản số 18/2017/QH14: Luật Thủy sản gồm 9 Chương và 105 Điều, thay thế và bổ sung cho những bất cập của Luật Thủy sản 2003, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, ngư dân định hình sản xuất nuôi trồng phù hợp, đáp ứng với yêu cầu hội nhập Quốc tế cũng như Luật pháp Quốc tế trong quá trình đánh bắt, xuất khẩu. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Đồng thời nêu lên các điểm mới trong Luật này, cụ thể:

Quy định về quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10): Quyền của tổ chức công đồng là: tổ chức quản lý hoạt động; thực hiện tuần tra, kiểm tra; ngăn chặn hành vi vi phạm; được tham vấn đối với dự án, hoạt động có liên quan trực tiếp; hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ; thành lập quỹ công đồng. Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Thẩm quyền công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng như: UBND cấp tỉnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai huyện trở lên; UBND cấp huyện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn quản lý; việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên do UBND cấp tỉnh hiệp thương quyết định.

Về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 11 đến Điều 22) Quy hoạch, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản, quy định rõ trách nhiện của Bộ, UBND cấp tỉnh trong công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản. Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản là trên phạm vi cả nước và  định kỳ 05 năm; điều tra đánh giá nghề cá thương phẩm hàng năm; điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề.

Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản: quy định rõ trách nhiệm Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh trong điều tra, xác định ban hành danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Quy định về quỹ bảo vệ và phat triển nguồn lợi thủy sản tại Điều 21 và khuyến khích thành lập quỹ cộng đồng (Điều 22);

Về Nuôi trồng thủy sản Điều 23 đến Điều 47 quy định về quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản: quản lý theo hệ thống, chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Điều kiện nuôi trồng thủy sản: Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

UBND cấp tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chấp hành quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 21/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 và sẽ được áp dụng ngay mà không cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính.

nt