Campuchia và Myanmar là hai thị trường có nhiều dư địa để đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới
Là khẳng định của các chuyên gia đến từ Campuchia, Myanmar tại hội nghị giới thiệu triển lãm quốc tế chuyên ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản Myanmar (Agri - Livestock - Aqua Fisheries 2017) tại TP. Hồ Chí Minh.

 
 

Ông Meach Yady, Cục trưởng Cục tiếp thị Nông nghiệp (AMO), Vụ Kế hoạch và Thống kê (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản) Campuchia - cho biết, mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư nhưng hiện tại nền nông nghiệp Campuchia vẫn chưa thực sự phát triển mạnh. Bằng chứng là hàng năm Campuchia vẫn đang phải nhập khẩu số lượng lớn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, rau củ quả, sữa… từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Ông Meach Yady khẳng định Campuchia là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam nếu muốn tới đầu tư. Những lĩnh vực mà DN Việt Nam có thể đầu tư là sản xuất rau củ quả, cung cấp lúa giống, trồng và chế biến sắn, trồng bắp, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi bò sữa… Cụ thể, với lĩnh vực rau củ quả, hiện Campuchia đang phải nhập khẩu phần lớn từ Việt Nam nên Chính phủ Campuchia mong muốn các đối tác Việt Nam đầu tư trực tiếp vào sản xuất, chế biến tại nước này.

Với lĩnh vực gạo, hiện Campuchia đang xuất khẩu khoảng 500 ngàn tấn, trong đó gạo thơm chiếm tỷ trọng 57%. Tuy nhiên, việc sản xuất giống lúa lại hạn chế, do đó Campuchia rất cần các công ty đầu tư nghiên cứu, cung cấp giống lúa thơm có chất lượng phục vụ xuất khẩu.

“Hiện tại Việt Nam đã có rất nhiều công ty đang đầu tư tại Campuchia, tập trung vào một số lĩnh vực như cao su, trồng sắn, mía… song chúng tôi mong muốn các bạn sẽ đầu tư nhiều hơn, đa dạng hơn trong thời gian tới” -  ông Meach Yady nhấn mạnh.

Tương tự, ông U Hnin Oo, Phó chủ tịch Liên đoàn ngư dân Myanmar - cho hay, hiện nay thủy sản là ngành được ưu tiên thu hút đầu tư thứ 3 tại Myanmar. Lý do, Myanmar muốn đẩy mạnh xuất khẩu, thu ngoại tệ nhưng lại có rất ít DN, cơ sở chế biến đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường EU (chỉ có khoảng 20 DN). Trong khi đó, Việt Nam là nước có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản và đang khai thác tốt thị trường EU nên chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với các DN Việt Nam.

Không chỉ với lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi cũng là lĩnh vực có nhiều dư địa cho các DN tới đầu tư. Theo Hiệp hội chăn nuôi Myanmar, dân số Myanmar hiện ở mức khoảng 54,5 triệu người, trong đó tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình đang tăng nhanh do sức đẩy từ sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế nước này. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi Myanmar nói chung. Theo Hiệp hội này, để đầu tư vào thị trường Myanmar, DN có thể đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh, liên kết với các công ty, các tổ chức tại Myanmar.

Theo các chuyên gia đến từ Campuchia, Myanmar, để tìm hiểu cơ hội đầu tư, xuất khẩu sang hai thị trường này, các DN Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc tham gia triển lãm Agri - Livestock - Aqua Fisheries, diễn ra vào cuối tháng 9/2017 tại Yangon, Myanmar.

Tại triển lãm, Myanmar và Campuchia sẽ cập nhật những xu hướng thị trường nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, giúp các DN Việt Nam hạn chế những rủi ro khi đầu tư hay phát triển kinh doanh vào những thị trường này. Thậm chí, DN cũng có thể trực tiếp đến các vùng có nhiều tiềm năng đầu tư để khảo sát và phía Campuchia hay Myamar cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho DN Việt Nam.

Agri - Livestock - Aqua Fisheries 2017 dự kiến sẽ thu hút khoảng 100 DN tham gia trưng bày, với khoảng 2.500 lượt khách tham quan đến từ Myanmar, Campuchia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc… Tại triển lãm năm trước đã có 10 công ty Việt Nam tham gia, chiếm 1/6 tổng số DN tham gia nên năm nay ban tổ chức kỳ vọng DN Việt sẽ tham gia nhiều hơn.

Theo congthuong