TIỀM NĂNG DU LỊCH HUYỆN TRI TÔN
Tri Tôn là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh An Giang với diện tích 60 ngàn ha, có 2 thị trấn: Tri Tôn, Ba Chúc và 13 xã. Phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Tịnh Biên và nước bạn Campuchia, phía Đông giáp huyện Châu Thành và Thoại Sơn, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Hòn Đất, Giang Thành tỉnh Kiên Giang. Huyện Tri Tôn có hệ thống đường bộ, đường thủy huyết mạch nối liền với các huyện trong tỉnh và các tỉnh khác trong khu vực. Ngoài ra, huyện Tri Tôn có hơn 15km đường biên giới với Campuchia và rất gần với cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Hà Tiên. Những điều kiện thuận lợi đó tạo cơ hội trong việc giao thương và kết nối các tuyến du lịch với Châu Đốc, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Kiên Giang.

Responsive image
 

 

Tri Tôn là địa phương có địa hình chuyển tiếp giữa núi và Đồng bằng tạo nên nhiều cảnh quang thiên nhiên đặc sắc thuận lợi để phát triển du lịch như dãy Thất sơn, hồ Soài So, đồi Tức Dụp…Ngoài ra, Tri Tôn còn được biết đến là vùng đất có lịch sử lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng. Hiện nay, Tri Tôn có 11 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Tại Tri Tôn, người kinh chiếm đa số, khoảng 34% là người Khmer, còn lại là người Hoa và một ít dân tộc khác cùng sinh sống hòa nhập và đoàn kết tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo. Tri Tôn có hơn 37 chùa phật giáo Nam tông với kiến trúc độc đáo của người Khmer. Cùng các Lễ hội nổi tiếng như, Lễ hội đua bò Bảy Núi – đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Tết Chol Chnam Thmay, Lễ hội Ok Om Bok,…được duy trì tổ chức hàng năm. Ngoài ra, còn có các loại hình văn hóa, văn nghệ độc đáo của các dân tộc như Đàn Chà-pây Chầm – riêng, hát Dì Kê, múa Lâm Thôn, cùng nền văn hóa ẩm thực phong phú mang đạm hương vị vùng miền như cháo bò, bánh bò thốt nốt, đu đủ đâm,… hòa quyện vào nhau làm nên văn hóa đặc trưng của huyện.

Bên cạnh đó, huyện Tri Tôn có 329 cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống, tập trung ở 04 nhóm gồm: thực phẩm, đồ uống, đồ lưu niệm – gia dụng, dịch vụ du lịch nông thôn. Các ngành nghề truyền thống, nghề tiểu thủ công của địa phương đã hoạt động lâu đời, trong đó có làng nghề sản xuất và chế biến đường thốt nốt Châu Lăng được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Tri Tôn rất chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ du lịch như: nghề làm gốm thủ công ở ấp Phnôm Pi - xã Châu Lăng, cốm dẹp – xã Ô Lâm, bánh phồng mì – thị trấn Ba Chúc, đặc sản đường thốt nốt và các sản phẩm từ thốt nốt…

Responsive image
 

Đến với Tri Tôn, du khách sẽ có cơ hội thư giãn, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên, khám phá địa hình độc đáo tại đây, tìm hiểu thêm về quá trình đoàn kết, cộng cư của các dân tộc anh em trong huyện. Năm 2018, huyện đã thu hút khoảng 600.000 lượt du khách đến tham quan, trong 6 tháng đầu năm 2019, thu hút 387.541 lượt khách  góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cùng với nông nghiệp, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của huyện. Để phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, huyện đã tập trung vào công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ. Tăng cường kiểm tra, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, tạo sự thân thiện trong mua bán, không đeo bám khách, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội.

Responsive image
 

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng: đồi Tức Dụp, Chùa Vân Long (Núi Tô), Ô Tà Sóc, Chùa Tà Miệt (Lương Phi); Du lịch tham quan các di tích văn hóa: Chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu (Ba Chúc), Chùa Svay Tong A,…; Du lịch Tâm Linh: chùa Bồng Lai (Núi Tô), chùa Long Hòa (Châu Lăng),…; Du lịch danh lam thắng cảnh: Sân Tiên, Vồ Hội (Núi Tô), Núi nước, Ô Đá (Ba Chúc),…; Du lịch sinh thái: rừng tràm tỉnh đội (Tân Tuyến), Đồi Tà Pạ (Núi Tô),…; Du lịch mùa nước nổi, du lịch liên quan đến hoạt động cộng đồng. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tập trung khai thác các loại hình du lịch gắn với đặc trưng văn hóa của người Khmer, các lễ hội, các hình thức biểu diễn văn hóa nghệ thuật, đặc sản ẩm thực,… để tạo ra các sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng.

Trong thời gian gần đây, nhằm tạo thuận lợi cho du khách trải nghiệm du lịch, huyện đang xây dựng hệ thống quảng bá hình ảnh, thông tin, chỉ đường các khu điểm du lịch, làng nghề truyền thống, đặc sản quà tặng, ẩm thực đặc trưng bằng mã QR trên các pano, áp phích. Bên cạnh đó, nhằm góp phần lan tỏa sâu rộng, tích cực về quảng bá du lịch Tri Tôn, huyện đang thực hiện châm ngôn mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân là một đại sứ du lịch, một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về các địa danh, nét độc đáo văn hóa dân tộc, sản phẩm đặc trưng của huyện. Mỗi người thực hiện mời gọi ít nhất một người bạn, người thân hay đối tác ngoài huyện về tham quan, du lịch, đầu tư tại Tri Tôn.

Song song đó, huyện đang tập trung kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại các khu du lịch trọng điểm. Đến nay, đã có một số nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư du lịch tại Tri Tôn như: Công ty cổ phần du lịch An Giang thực hiện dự án du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tức Dụp 2 (hồ Ô Thum, xã Ô Lâm), Công ty TNHH MTV Lộc Ngọc Xuân II nghiên cứu đầu tư trang trại chăn nuôi Cá sấu, Đà điểu công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái.

Với quan điểm phát triển như trên, dự báo lượng khách tới tham quan Tri Tôn sẽ tăng nhanh, đến năm 2020 đạt 800.000 lượt, đến năm 2025 đạt 900.000 lượt. Chắc chắn rằng, với vai trò, vị trí địa lý của mình, khi du lịch Tri Tôn được khai thác và đầu tư đồng bộ, sẽ kết nối với các địa phương khác tạo thành các tuyến du lịch Châu Đốc – Tịnh Biên – Tri Tôn – Thoại Sơn, kết nối với Hà Tiên, Phú Quốc tạo ra một chuỗi các điểm tham quan độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bích Phương