Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế
Ngày 23/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến An Giang có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Responsive image
 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan về hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2014-2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác đến năm 2021.

Các thành tựu Hội nhập quốc tế được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị với nội hàm chủ động hội nhập toàn diện trên 3 trụ cột: Chính trị - quốc phòng - an ninh; kinh tế; khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội. Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

 

Trong 5 năm qua, Việt Nam giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, tạo cơ hội mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể là ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, CPTPP, EVFTA...); tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (tháng 2/2019)…

Responsive image
 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự đúng đắn, tất yếu của chủ trương hội nhập, tự tin tiếp tục hội nhập quốc tế một cách sâu hơn, nhanh hơn và bền vững hơn. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế, các ngành, địa phương cân đối cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, thúc đẩy hội nhập chủ động.Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp, người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành văn hóa hội nhập; quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư và các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.

 

Thủ tướng đề nghị cần nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế. Lãnh đạo địa phương phải bảo đảm công khai, minh bạch, sâu sát, tận tâm hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Đổi lại, doanh nghiệp, người dân phải chủ động hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…

Liên Khương