Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2017) tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 16/11, Trong khuôn khổ VietNam Foodexpo 2017, Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam kết hợp với Giao dịch thương mại (Vietnam Food Forum 2017) do Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) tổ chức, đây là sự kiện quốc tế quan trọng trong ngành thực phẩm Việt Nam.

Responsive image

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc

Tham dự Hội nghị có Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; cùng đông đảo đại diện các bộ, ngành địa phương, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm trong, ngoài nước.

Mở đầu hội nghị là Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa VIETRADE và Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) về hợp tác xúc tiến thương mại giữa hai bên nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại song phương Việt Nam – Hồng Kông (Trung Quốc). Đồng thời, VIETRADE cũng ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty Nielsen Việt Nam trong việc phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy, tăng cường hiệu quả của các chương trình nghiên cứu phát triển thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại.

Responsive image
 

Với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm Việt Nam” hội nghị quốc tế năm nay quy tụ các diễn giả, chuyên gia hàng đầu ngành thực phẩm đồ uống trong nước và quốc tế: Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO); Bà Ngô Đặng Bảo Trâm, Quản lý cao cấp Nhóm đo lường bán lẻ, Công ty Nielsen Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm SME, Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, VP Bank; Bà Jocelyn Trần, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn thu mua toàn cầu Walmart; Ông Bertrand Ambroise, Giám đốc quan hệ quốc tế, Tập đoàn Semmaris. Hội nghị đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng trong chuỗi giá trị của ngành, cập nhật nhiều thông tin được quan tâm hiện nay, điển hình như: vấn đề an toàn thực phẩm liên quan tới chuỗi giá trị ngành, xu hướng nhu cầu của người tiêu dùng thực phẩm, các giải pháp phát triển thị trường, tiếp cận tài chính, các chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị của các các tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

Responsive image
 

Hội nghị cũng diễn ra buổi Tọa đàm “Giải pháp nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”. Năm 2017, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 15 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu chỉ xuất khẩu nông sản thô, theo thống kê cho thấy xuất khẩu nông sản thô chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, do đó làm sao để cải thiện hàm lượng giá trị nông sản xuất khẩu Việt Nam là bài toán khó.

Theo Ông Nguyễn Trung Anh – Giám đốc R&D Tập đoàn Pan Goup, quy mô nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ và manh múng, có nhiều khâu tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp muốn phát triển quy mô lớn với sản phẩm chất lượng ổn định, an toàn và truy suất nguồn gốc. Để tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, Tập đoàn Pan Goup đã tập trung vào 04 giải pháp: hợp tác với các đối tác nước ngoài để cùng chia sẽ kinh nghiệm và tận dụng lợi thế của 02 bên; tập trung phát triển vùng nguyên liệu riêng để chủ động nguồn cung nguyên liệu đầu vào; phát triển các sản phẩm mang thương hiệu của tập đoàn; tăng đầu tư phát triển R&D (nghiên cứu và phát triển).

Trao đổi tại buổi hội thảo, Ông Tạ Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết, dựa trên các khảo sát về nhu cầu xúc tiến thương mại của doanh nghiệp. Cục XTTM đã phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, chuyên gia thị trường cung cấp thông tin thị trường và khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp thiết kế bao bì, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng; đào tạo các kỹ năng nâng cao năng lực xúc tiến cho doanh nghiệp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp với các đối tác nước ngoài, giúp doanh nghiệp lên kế hoạch marketing xuất khẩu... Ngoài ra Cục XTTM đang thực hiện Chương trình xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia (Vietnam Food Branding) có sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan xây dựng chiến lược tổng thể trong việc quảng bá truyền thông ngành hàng thực phẩm Việt Nam trên thế giới; tổ chức các hội chợ triển lãm tại nước ngoài, các hội chợ quốc tế trong nước, mời các đoàn giao thương nước ngoài vào Việt Nam, mời các tập đoàn bán lẻ, các đại siêu thị trong ngoài nước kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Đỗ Tuyết Mai – Đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với các doanh nghiệp, chủ trương của Bộ NN & PTNT là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, theo đó Bộ NN & PTNT đã chỉ đạo phát triển các chuỗi sản phẩm theo 3 tiêu chí: sản phẩm quốc gia (tôm, cá tra, lúa gạo và rau quả), sản phẩm địa phương vùng miền (Cà Mau: tôm; tứ giác Long Xuyên: gạo và cá tra; Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp: trái cây…), mỗi xã phường một sản phẩm. Đối với sản phẩm quốc gia Bộ NN & PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học công nghệ xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2025 tầm nhìn 2030 cho các sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 01 tỷ USD, trên cơ sở đó Bộ NN & PTNT sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển thị trường cho các sản phẩm được lựa chọn, để các doanh nghiệp, địa phương có định hướng phát triển và được triển khai trên toàn quốc. Quan điểm của Bộ NN & PTNT là lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh được sản xuất quy mô lớn, có khả năng cơ giới hóa cao, có khối lượng tiêu thụ lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo ATVSTP, giá bán cạnh tranh. Hiện nay có gần 80% nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng thương hiệu, chưa có nhãn mác, nếu thực hiện xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, doanh nghiệp sẽ tiếp cận trực tiếp chuỗi phân phối toàn cầu, giảm lệ thuộc vào các nhà nhập khẩu trung gian làm tăng chi phí và giảm giá trị gia tăng sản phẩm.

Ngoài ra, hội nghị còn có Chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc...; các tập đoàn thu mua, đại siêu thị trong và ngoài nước như: Walmart (Hoa Kỳ), CJ, LOTTE (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan), Vinmart, SATRA... Vietnam Food Forum 2017 là sân chơi bổ ích cho doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam, góp phần nâng cao tỉ lệ giao thương và giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới đối tác với sự hỗ trợ về điều kiện, chính sách và nguồn vốn từ ban tổ chức.

Bá Đăng