An Giang tổ chức Diễn đàn khoa học công nghệ về nuôi cá tra chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 21/11, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã tổ chức Diễn đàn khoa học công nghệ về nuôi cá tra chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Responsive image
 

Theo bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam sau con tôm. Năm 2017, ngành hàng cá tra Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,78 tỷ USD và nhận định triển vọng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm cá tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra chỉ tiêu xuất khẩu sản phẩm cá tra năm 2018 là trên 2 tỷ USD.

Thời gian qua, nghề nuôi cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn được giữ vững, phát triển ổn định trước những thách thức, mối nguy về ô nhiễm môi trường, mầm bệnh, ảnh hưởng của diễn tiến biến đổi khí hậu… là nhờ vào việc tổ chức lại sản xuất và chủ động ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất nhằm giúp cải thiện năng suất, tính hiệu quả mô hình nuôi. Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi chấp hành các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu; thực hiện đúng các khuyến cáo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn đảm bảo không là nguồn lây nhiễm cho cá thương phẩm.

Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc cung cấp đủ con giống cá tra có chất lượng tốt được đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng được nhu cầu nuôi cá tra hàng năm. Thực tế cho thấy, mặc dù việc sản xuất cá tra giống vẫn phát triển theo quy luật cung và cầu, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, sản xuất chạy theo số lượng; không quan tâm đến chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi nói riêng và nghề nuôi cá tra nói chung. 

Theo ông Trần Đình Luân, một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng cá tra giống là do chưa có sự hợp nhất giữa các nhà nuôi trồng và các hộ nuôi để thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng một quy trình ương cá tra một cách hợp lý và hiệu quả.

Để đưa ra được quy trình kỹ thuật ương cá tra giống chất lượng (không có bệnh nguy hiểm, tỷ lệ sống cao), theo ông Trần Đình Luân, ngay trong vụ nuôi tới của năm 2019, các địa phương, chi hội sản xuất giống cá tra, các hộ nuôi cá thể và các doanh nghiệp nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ương tạo và sản xuất giống cá tra chất lượng. Điều này nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung - cầu về con  giống cá tra có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc (nhất là giống cá tra nuôi trái vụ)… Có như vậy ngành hàng cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và quốc tế.

(Theo dantocmiennui.vn)