Cơ hội xuất khẩu nông thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc
Năm 2019 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu nông sản, thủy sản chính ngạch vào các thành phố lớn của Trung Quốc.

Responsive image
 

Trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 tổ chức tại An Giang. Trưa ngày 05/3, tại Nhà khách Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã diễn ra Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản – thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc” do Hội Doanh nghiệp HVNCLC phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức.

Tham dự có Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cùng với lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) và gần 100 đại biểu là các doanh nghiệp, báo đài đưa tin.

Tại hội thảo, các chuyên gia khái quát bức tranh toàn cảnh xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch sẽ vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch.

Để xuất khẩu nông thủy sản chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần tuân thủ luật pháp và các quy định bắt buộc của Trung Quốc về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm…

Cơ hội và thách thức đối với ngành thủy sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Vasep cho biết, theo thống kê Hải quan Việt Nam, năm 2018 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 1,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cá Tra đạt gần 529 triệu USD tăng 28,7% so với năm 2017.

Từ năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Đây là thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu ổn định hơn so với các quốc gia khác. Thương mại điện tử phát triển mạnh ở Trung Quốc và thủy sản cũng là một mặt hàng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng online, theo thống kê có gần 50% dân số Trung Quốc thực hiện giao dịch mua bán qua mạng internet.

Đặc biệt, xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng thuận lợi, chí phí rẻ hơn so với trước. Do đó, 2019 sẽ là năm mang lại nhiều cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào các thành phố lớn của Trung Quốc.

Theo đại diện của Vasep, Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch. Đây chính là cơ hội để sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam nâng cao chất lượng và số lượng xuất khẩu chính ngạch, giữ vững uy tín và hình ảnh trên thị trường. Trung Quốc cũng đã điều chỉnh giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản do vấn đề môi trường và giá thành. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu vào thị trường này đang được điều chỉnh theo hướng tích cực cho xuất khẩu chính ngạch.

Đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có thể hồi phục mạnh khi chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt và tập trung xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, để bền vững, thủy sản Việt Nam cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng trước khi xuất sang Trung Quốc. Tình trạng xuất khẩu thủy sản bằng đường bộ mà đa phần do các thương lái Trung Quốc thực hiện không cần xin chứng thư chất lượng hoặc làm giả chứng thư, có thể tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp và động thái thúc đẩy Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc bổ sung thêm các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu vào Trung Quốc “danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc”. Việc đăng ký bổ sung các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu vào “danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc” vẫn còn khó khăn và mất thời gian.

Các cơ quan chức năng có biện pháp nhằm cập nhật và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp những thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng thủy sản qua đường biên. Nếu không được cập nhật thường xuyên có thể gây khó khăn cho kế hoạch xuất khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thường xuyên về nhu cầu, quy định của thị trường đặc biệt là khu vực xuất khẩu biên giới.

Nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, những vấn đề cần lưu ý.

Theo Ông Nguyễn Lâm Viên – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn, một khi người tiêu dùng Trung Quốc chấp nhận tiêu thụ một loại trái cây nào đó, thì họ tiêu thụ “rất bền”, vấn đề đặt ra là nguồn cung cấp trái cây cho thị trường Trung Quốc không chỉ riêng Việt Nam mà còn có cả khu vực Đông Nam Á, trong đó Thái Lan là đối thủ cạnh tranh chính với Việt Nam. Vì vậy, giá cả, chất lượng, hình thức bao bì đóng gói sản phẩm và thời gian giao hàng phải đặc biệt xem trọng.

Hiện nay có 08 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc: xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và thanh long. Ngoài ra, Trung Quốc đang nghiên cứu để ưu tiên nhập khẩu các loại trái cây khác của Việt Nam như: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt.

Từ ngày 01/01/2019 các cơ quan Hải quan Trung Quốc kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trái cây nhập khẩu từ Việt Nam xem có ghi rõ tên, mã số các cơ sở đóng gói đã đăng ký hay chưa, hàng hóa phải có truy xuất nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận (danh sách tra trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc) nếu phù hợp với yêu cầu thì mới cho phép tiến hành kiểm dịch. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc không phải từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng ký thì không được phép nhập vào Trung Quốc.

Ngoài ra, trên bao bì các doanh nghiệp phải ghi rõ bằng tiếng Anh và tiếng Trung: tên, xuất xứ, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói trái cây, cũng như mã vạch, mã QR, tem nhận diện chống hàng giả…

Bá Đăng

Một số hình ảnh phóng sự tại hội thảo:

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image