Tăng cường xuất khẩu gạo sang Bờ Biển Ngà
Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, gạo là thức ăn cơ bản của người dân nước này, nhất là tại các thành phố lớn. Mỗi năm, Bờ Biển Ngà tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn gạo trong đó 900.000 tấn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Responsive image
 

Mới đây một đoàn gồm đại diện đại diện của Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), Sở Công thương Sóc Trăng, Sở Công thương Trà Vinh và 8 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đã đi xúc tiến thương mại gạo tại Bờ Biển Ngà.

Được biết, mỗi năm Bờ Biển Ngà tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn gạo trong đó 900.000 tấn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ. Hiện gạo là thức ăn cơ bản của người dân, nhất là tại các thành phố lớn.

Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, Chính phủ Bờ Biển Ngà đã quyết định dành 3,9 tỷ USD cho lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2012 đến năm 2015 nhằm đạt mức tăng trưởng 8,9% để bảo đảm an ninh lương thực tại Bờ Biển Ngà và góp phần đáng kể cho an ninh lương thực của tiểu vùng Tây Phi. Hiện Bờ Biển Ngà đang phấn đấu có thể tự túc lương thực vào năm 2018.

Mặc dù vậy, việc thực hiện mục tiêu này không phải dễ dàng do đầu tư phát triển lúa nước tại Bờ Biển Ngà khá tốn kém, năng suất thấp và sản xuất lúa của quốc gia Tây Phi này vẫn chủ yếu dựa vào nước mưa.

Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà 190.961 tấn gạo, kim ngạch đạt 91,15 triệu USD. Trong 11 tháng 2017, xuất khẩu gạo của nước ta sang thị trường này đạt 207.552 tấn, trị giá 92,24 triệu USD. Phía Bạn cho biết gạo 5% tấm và gạo thơm Jasmin của Việt Nam rất được người dân nước này ưa chuộng và đã có mặt khá nhiều tại các siêu thị lớn.

Ngày 13/12, đoàn Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Bờ Biển Ngà tổ chức hội thảo doanh nghiệp với sự tham gia của khoảng 80 đại biểu hai bên. Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Phòng TM và CN Bạn bày tỏ mong muốn ký thuận hợp tác với VCCI Việt Nam. Nhân dịp này, một số doanh nghiệp đã tìm được đối tác và ký kết được hợp đồng mua bán gạo.

Cũng trong thời gian ở Bờ Biển Ngà, đoàn đã đến thăm cảng biển Abidjan, là cảng lớn thứ hai tại châu Phi (sau Durban của Nam Phi), đi thăm các doanh nghiệp nhập khẩu và kho chứa gạo, khảo sát hệ thống phân phối gạo tại nước này.

Theo trithuctre