Tiếp cận thị trường Hàn Quốc cho mặt hàng nông sản
Thị trường Hàn Quốc không giống như nhiều thị trường khó tính khác. Với thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà phân phối, thì với thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chỉ được ký kết xuất hàng cho những doanh nghiệp thu mua, vừa kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi lưu kho. Sau khi hoàn tất thu mua, hàng hóa mới được chuyển về nhà phân phối tại Hàn Quốc.

Có nhiều cách đưa hàng vào Hàn Quốc, thông qua kênh phân phối lớn của Hàn Quốc như hệ thống siêu thị Lotte Mart, Imart, Công ty Dole,…họ tiếp cận sản phẩm Việt Nam đáp ứng đúng tiêu chí Hàn Quốc hoặc họ sẽ sản xuất trực tiếp, chuyên nghiệp hóa quá trình sản xuất. Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng gia công, chế biến mà người Hàn Quốc khi đến Việt Nam thường mua về làm quà biếu, chẳng hạn như cà phê, xoài sấy, hạt điều rang…. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng các mặt hàng này tại thị trường Hàn Quốc do những mặt hàng này hiện Hàn Quốc không đủ cung cấp cho người tiêu dùng.

Không những vậy, doanh nghiệp và chính quyền địa phương của Việt Nam thường xuyên mời  các doanh nghiệp thu mua Hàn Quốc đến tham quan và kiểm chứng vườn cây, khu sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam như vườn cà phê, vườn xoài…khi được kiểm tra tận mắt sẽ giúp nhà thu mua tăng độ tin cậy vào sản phẩm, cũng chính là tăng cơ hội cho hàng hóa việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu mở rộng hơn thành VFOOD như Hàn Quốc có chứng nhận KFOOD, thì doanh nghiệp thu mua sẽ tin tưởng hơn.

Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong Top 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả sang Hàn Quốc trong 6 tháng 2017, tỉnh An Giang có một doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Rau Quả Thực phẩm An Giang, trị giá đạt 590 nghìn USD.

Đánh giá triển vọng, dự báo

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Hàn Quốc những tháng cuối năm 2017 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, do nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản của người Hàn Quốc ngày càng tăng. Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc sẽ gặp một số thuận lợi và khó khăn sau:

Thuận lợi:

Kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm 2017, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc – BoK đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc năm 2017 từ 2,6% lên 2,8% nhờ sự phục hồi kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 2,9% trong quý I năm 2017, cao hơn so với mức tăng trưởng 2,4% của quý IV năm 2016. Niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc đã cải thiện đạt mức cao nhất trong 6 năm qua, do người dân lạc quan hơn về nền kinh tế.

Khó khăn:

Hàn Quốc có những quy định rất cao đối với sản phẩm nhập khẩu, tất cả các sản phẩm thực vật như rau quả và ngũ cốc đều phải qua kiểm dịch theo Luật kiểm dịch Thực vật của Hàn Quốc. Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, lịch trình sản xuất từ vườn đến khâu thu hoạch, bảo quản tại kho, máy móc thiếc bị chế biến, cách thức lưu giữ bảo quản sản phẩm…

Theo VITIC