Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng gạo và chính sách nhập khẩu gạo của An-giê-ri
Là quốc gia không sản xuất lúa gạo, An-giê-ri phải nhập khẩu gần như toàn bộ mặt hàng này với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm, chiếm trên 1% trong cơ cấu tiêu dùng lương thực của nước này. Trong tổng số gạo nhập khẩu của An-giê-ri, gạo đồ chiếm tỷ trọng 25%. Trong mấy năm gần đây, An-giê-ri có xu hướng nhập khẩu gạo giá rẻ.

Nếu như năm 2014, nhập khẩu mặt hàng này là 117,3 nghìn tấn, kim ngạch 92,79 triệu USD thì đến năm 2015, con số này đã giảm xuống còn 113,85 nghìn tấn, trị giá chỉ 62,2 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu gạo chỉ đạt 46,49 nghìn tấn, kim ngạch 24,52 triệu USD.

Về chính sách nhập khẩu, gạo được nhập vào An-giê-ri tự do. Tuy nhiên, do chưa phải là thành viên của WTO, ưu đãi thuế nhập khẩu và thuế VAT ở mức thấp trừ một số nước có FTA với quốc gia Bắc Phi này. Việc nhập khẩu gạo do các thương nhân, nhà nước chỉ quản lý bằng thuế. Phần lớn gạo được nhập vào An-giê-ri thông qua trung gian tại châu Âu và một số nước Trung Đông. Theo ý kiến các nhà nhập khẩu thì việc nhập khẩu qua trung gian đảm bảo ổn định giá và nguồn hàng.

Về chất lượng gạo An-giê-ri nhập khẩu là loại gạo có 5% tấm trở xuống; bao bì phải có nhãn mác bằng chữ Ả-rập và song song một ngôn ngữ khác mà người tiêu dùng có thể hiểu (thường là tiếng Pháp hoặc tiếng Anh). Về chủng loại, gạo nhập khẩu chủ yếu là loại gạo trắng, hạt dài, 5% tấm.

Về hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với mặt hàng gạo: Thuế nhập khẩu là 5%; thuế VAT: 7%; thuế đối với ngũ cốc và rau xanh (TCLS): 1,5 USD/tấn.

Về phương thức thanh toán, An-giê-ri quy định các doanh nghiệp nhập khẩu áp dụng một trong 2 hình thức là nhờ thu (D/P) hoặc L/C.

Các nước cung cấp gạo lớn nhất cho An-giê-ri gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Pa-ki-xtan, Ta-gi-ki-xtan, U-ru-guay.

YN (Trích nguồn: Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á)