Tọa đàm “Việt Nam: Đất lành cho Khởi nghiệp” tổ chức tại Cần Thơ
Sáng ngày 08/6/2017, tại khách sạn TTC Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Việt Nam: Đất lành cho Khởi nghiệp”. Tham dự có nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Responsive image
 

Các chuyên gia cho rằng, những năm gần đây tinh thần khởi nghiệp hiện đang lên cao hơn bao giờ hết, riêng ở An Giang đã tổ chức “Lễ phát động Chương trình khởi nghiệp”, “Cà phê doanh nhân” và UBND tỉnh An Giang quyết định chọn năm 2017 là “Năm doanh nghiệp”.

Năm 2016, đã có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, Các ý tưởng kinh doanh không chỉ được hiện thực hóa dưới hình thức doanh nghiệp mà còn theo hình thức hộ kinh doanh... Ngành nghề khởi nghiệp có sự phân hóa đa dạng, các ngành như bất động sản, nông lâm nghiệp và thủy sản, nghệ thuật vui chơi giải trí, vận tải kho bãi và dịch vụ việc làm có số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng cao trong những năm qua. Đặc biệt, trong khi ở các nước trên thế giới độ tuổi người khởi nghiệp rất trẻ thì ở Việt Nam, 72% chủ doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp ở độ tuổi 30 trở lên.

Theo điều tra của VCCI đa phần các doanh nghiệp khởi nghiệp trong 03 năm gần đây đều có bằng đại học, 73% chủ doanh nghiệp xuất thân từ khu vực tư nhân và động lực khởi nghiệp là muốn độc lập tài chính, muốn tự làm chủ.

Responsive image
Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm

Theo Ông Lê Duy Bình – Giám đốc Công ty tư vấn Economica, để Việt Nam trở thành đất lành cho khởi nghiệp thì cần những gì?. Trước tiên là phải hiểu đúng về khởi nghiệp và giá trị của khởi nghiệp “Khởi nghiệp được hiểu là những nổ lực thực hiện các quyết định mạo hiểm về kinh doanh hoặc thành lập một doanh nghiệp mới hoặc mở rộng doanh nghiệp hiện tại bởi một cá nhân, nhóm cá nhân hay một doanh nghiệp đã thành lập”; xã hội có thái độ tích cực về khởi nghiệp; Chính phủ bao dung, thân thiện với doanh nghiệp và hành động vì doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh sáng tạo được đảm bảo; môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp; hệ thống giáo dục dạy nghề hỗ trợ cho khởi nghiệp; có một hệ sinh thái và các định chế hỗ trợ khởi nghiệp; thị trường năng động và cơ sở hạ tầng thuận lợi cho tiếp cận thị trường; khả năng tiếp cận tài chính thuận lợi và chương trình hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, dễ tiếp cận.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các tỉnh, thành chia sẻ về những hoạt động khởi nghiệp tại địa phương đã và đang thực hiện, trong đó đa số cho rằng cái khó hiện nay đối với khởi nghiệp đó chính là các hộ kinh doanh cá thể không chịu chuyển đổi thành lập công ty, mà nguyên nhân là do thủ tục kê khai thuế, vì hộ kinh doanh cá thể sử dụng thuế khoán khi chuyển lên thành lập công ty phải thực hiện kê khai thuế hàng tháng, năm và phải thuê nhân sự làm công tác kế toán; một khó khăn khác là thủ tục chuyển cở sở kinh doanh hay hộ kinh doanh cá thể thành công ty, thời gian thực hiện khá dài gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, đôi khi tên hiệu của hộ kinh doanh cá thể đăng ký thành lập công ty bị trùng lắp, buộc phải đổi tên họ không chịu; bên cạnh đó trình độ quản lý của Chủ hộ kinh doanh cá thể khi chuyển lên thành lập công ty không theo kịp môi trường mới, họ cảm thấy bị đuối.

Do đó, để khuyến khích khởi nghiệp, trước hết cần phải cải cách thủ tục hành chính, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể tiến lên thành lập công ty, nếu làm được điều này thì mục tiêu 01 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ sẽ thành hiện thực.

Thành lập và nhân rộng mô hình vườn ươm khởi nghiệp là nơi hỗ trợ và đưa các ý tưởng khởi nghiệp vào thực tiển cuộc sống, tùy theo đặc điểm của mỗi địa phương mà chính quyền có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác nhau, do Việt Nam là nước nông nghiệp với 50% dân số sống ở nông thôn vì vậy chúng ta cần quan tâm đến chương trình khởi nghiệp ở nông thôn, phải có các chủ trương chính sách thiết thực giúp bà con nông dân khởi nghiệp ”Ly nông nhưng bất ly hương”.

Chúng ta sẽ có một xã hội khởi nghiệp khi chính quyền không chỉ là lãnh đạo các cấp mà còn cả từng cán bộ, công chức cũng có tinh thần “vì khởi nghiệp” trong tư duy và trong hành động. Tinh thần “vì khởi nghiệp” của chính quyền sẽ luôn là nguồn cảm hứng để mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có tư duy và hành động vì các giá trị cốt lõi của khởi nghiệp kinh doanh và vì sự phát triển của người kinh doanh, của doanh nghiệp.

Bá Đăng