Xuất khẩu cá tra: Giữ Mỹ và EU để phát triển thị trường Trung Quốc
Cuối năm 2017, tình hình nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra vẫn trên đà thuận lợi, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thị trường cũng nêu lên một số vấn đề cần quan tâm để phát triển bền vững.

 
 

Ba thị trường chính

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng cho rằng, EU và Mỹ vẫn là 2 thị trường chính xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Còn thị trường Trung Quốc - Hồng Kông giàu tiềm năng nhưng đang là điểm nóng thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, kiểm soát hàng hóa qua tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra.

Với thị trường Mỹ, nhiều năm đứng đầu với tỷ trọng 20 - 23%. Từ ngày 1/8/2017, kiểm tra 100% lô hàng cá tra, tập trung vào nhãn mác, thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. Từ ngày 1/9/2017, thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại Mỹ, xác định các điều kiện tương đương, kiểm soát từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy chế biến. Cùng đó, DOC công bố mức thuế cao áp cho cá tra (POR12). Ngành cá tra chưa dễ dàng thích ứng nên kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ tụt giảm, tính đến 15/11/2017, chỉ đạt 305,22 triệu USD.

Thị trường EU, sụt từ tỷ trọng 24% năm 2012 xuống dần và năm 2017, tính đến 15/11, tụt hàng thứ ba với kim ngạch 178,84 triệu USD. Nguyên nhân sụt giảm, theo ông Dũng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến cá tra yếu hơn các doanh nghiệp quốc tế đang kinh doanh cá thịt trắng bản địa và cá biển. Năng lực thích nghi với các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm mới từ khâu nuôi trồng đến chế biến của doanh nghiệp Việt Nam cũng không mạnh.

Trong lúc, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tăng liên tục từ năm 2011 đến nay. Năm 2011 mới 56 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,1%, đến năm 2016 đứng thứ hai với tỷ trọng 17,8% và năm 2017, tính đến ngày 15/11 vươn lên dẫn đầu với 352,994 triệu USD. Nếu trước đây, các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc chỉ ở vùng duyên hải thì nay đã đi sâu vào nội địa (tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên).

Thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tăng, theo Ông Dũng, có phần do tin tưởng rằng sản phẩm cá tra đạt được yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định khắt khe của thị trường Mỹ và EU. Hiện nay, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông cũng đòi hỏi sản phảm chất lượng cao. Do đó, “vai trò của thị trường Mỹ và EU là thị trường chính cần giữ vững để tạo nền tảng phát triển bền vững cho thị trường Trung Quốc - Hồng Kông”, ông Dũng nhấn mạnh.

Giữ chất lượng cao

Các chuyên gia cho rằng, cần tập trung phát triển các thị trường có sẵn Mỹ, EU, Trung Quốc- Hồng Kông và ASEAN, những thị trường này chiếm 50 - 60% thị phần.

Ông Lê Ngọc Anh, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, hiện nước ta có hơn 100 cơ sở chế biến cá tra trong danh sách được xuất khẩu vào EU. Tình hình các lô hàng mặc dù đã được cải thiện rất đáng kể từ năm 2014 tới nay nhưng vẫn khiến cơ quan thẩm quyền EU quan ngại. Ngày 13/5/2016, EU có Công thư đánh giá, biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh của Việt Nam chưa hiệu quả. Trong đó, chưa kiểm soát tốt việc phân phối và sử dụng thuốc thú y, không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc, không kiểm soát tốt việc sử dụng hóa chất cấm. Để giữ thị trường EU, theo ông Lê Ngọc Anh, phải quản lý tốt việc mua bán hóa chất kháng sinh, còn doanh nghiệp chế biến “có tần xuất lấy mẫu kiểm hóa chất kháng sinh khi tiếp nhận nguyên liệu phù hợp hơn”. Còn ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản phân tích, cá tra vào EU đang đối diện 3 thách lớn: cạnh tranh cùng loại, chất lượng và kinh doanh. Cạnh tranh cùng loại là cạnh tranh với cá trắng và nhất là với cá tra ở Bangladesh, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ. Thách thức chất lượng gồm: Công nghệ nuôi, kiểm soát môi trường, công nghệ chế biến và kiểm soát chất lượng cần nâng cao để đạt yêu cầu. Thách thức kinh doanh là công bố chất lượng còn gian lận, chưa có thương hiệu, chưa có nhãn chất lượng, sản phẩm lại đơn điệu và hay bị thông tin bôi nhọ.

Theo thuysanvietnam