HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM –EU: “EVFTA – CHÂN TRỜI MỚI, HỢP TÁC RỘNG LỚN, TOÀN DIỆN”
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990) đến nay, quan hệ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã trải qua một quá trình phát triển tích cực và năng động. EU hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, hợp tác phát triển, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ đến ứng phó với các thách thức toàn cầu. (Trích lời Thứ trưởng Bộ ngoai giao Bùi Thanh Sơn)

Trong thương mại, EU được xem là một trong những đối tác xuất khấu lớn của hàng hóa Việt Nam, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 55,8 tỷ USD, chiếm 11,6% (năm 2018). Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27,45 tỷ USD (tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, xuất khẩu đạt 20,51 tỷ USD (giảm 0,65%) và nhập khẩu đạt 6,94 tỷ USD (tăng 9.07%). [1]

Vào ngày 30 tháng 6 năm 2019, Việt Nam và EU đã ký hết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020 sẽ tạo thêm cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Việt Nam và các nước EU, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, rau quả, nông sản chế biến, hàng điện tử và linh kiện, dệt may và da giày,...

Theo đó các nội dung chính của EVFTA bao gồm:

  • Xóa bỏ thuế quan: Gần 100% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan nhập khẩu theo lộ trình.
  • Giải quyết các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT – Technical Berriers to Trade)
  • Minh bạch hóa: tạo môi trường pháp lý thân thiện đối với doanh nghiệp.
  • Mở cửa đối với các lĩnh vực dịch vụ tiến xa hơn trong GATS – General Agreements on Trade in Servics (Hiệp định chung về thương mại dịch vụ, một hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế Giới - WTO)
  • Thiết lập cơ chế giải quyết các tranh chấp hiệu quả.
  • Bảo vệ các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

EVFTA được đánh giá là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. EVFTA là FTA đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA mà EU đã ký kết.

Ngoài EVFTA và EVIPA, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU còn tuân thủ theo các quy định tại Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) và quy chế GSP-General System of Preference. Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA) đã được ký tháng 10/2010 và chính thức có hiệu lực từ 27/6/2012, thay thế Hiệp định khung Việt Nam - EC năm 1995. GSP là là hệ thống ưu đãi đơn phương về thuế quan mà các nước thành viên EU giành cho Việt Nam trong giai đoạn nhất định.

Đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của An Giang là nông sản và thủy sản, EVFTA mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên EU.

Đối với gạo và sản phẩm từ gạo: EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm; thuế thong hạn ngạch là 0%; Xóa bỏ thuế trong 5 năm đối với gạo tấm; Xóa bỏ thuế trong 3-5 năm đối với sản phẩm từ gạo.

Đối với rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi sẽ được xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Tuy nhiên, đối với một số ít mặt hàng nông sản nhạy cảm sẽ không được miễn thuế hoàn toàn, chỉ áp dụng TRQ – Tariff Rate Quota (Hạn ngạch nhập khẩu) như: ngô ngọt, tỏi, nấm hương, đường và các sản phẩm có hàm lượng đường cao, tinh bột sắn.

Đối với hàng thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau 3 đến 7 năm.

Cùng với những cơ hội mà EVFTA mang lại, doanh nghiệp nên lưu ý một số thách thức lớn sau đây để có các biện pháp chuẩn bị phù hợp, cụ thể: Sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa khi hàng hóa, dịch vụ từ các nước EU vào Việt Nam; Để được hưởng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định, các sản phẩm, dịch vụ cũng cần phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ mà Việt Nam và EU đã thống nhất; Hàng hóa vào thị trường EU phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về  tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đối với công nghiệp, tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch động thực vật đối với nông sản, thực phẩm; Với những hạn chế về địa lý, thông tin và năng lực của doanh nghiệp, việc vươn sang thị trường EU để cạnh tranh cung cấp dịch vụ hoặc đầu tư có thể còn nhiều khó khăn.

 

Diễm Phượng (tổng hợp)

 

 

Responsive image

Hình: Một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam được trưng bày tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU được tổ chức tại khách sạn REX (TP.HCM) ngày 30/7/2019

 

Responsive image