VCCI Cần Thơ tổ chức Lớp Đào tạo “Sử dụng khai thác chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” cho các sở, ngành, hiệp hội ĐBSCL
Nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 19 của chính phủ ngày 18/3/2014 về việc nâng cao chỉ số năng lực cấp tỉnh (PCI).

Sáng ngày 29/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Lớp Đào tạo “Sử dụng khai thác chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” cho các sở ngành hiệp hội ĐBSCL. Trong đó, An Giang tham dự có đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp và Hiệp hội Vận tải ô tô.

Phát biểu khai mạc, Ông Bùi Trung Nghĩa, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI Việt Nam nhấn mạnh, Cải thiện công tác quản lý điều hành tại địa phương  là những việc làm rất thiết thực để cải thiện môi trường kinh doanh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ở địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh là cách vượt qua những trở ngại về cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý, những hạn chế trong chính sách, điều hành của quản lý nhà nước của các ngành, lĩnh vực liên quan mật thiết đến hoạt động doanh nghiệp mà các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt và cần phải giải quyết. Dự án điều tra nghiên cứu và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh do VCCI thực hiện, nhằm chỉ ra các nội dung cần cải thiện môi trường kinh doanh dưới góc nhìn của doanh nghiệp, qua hơn 13 năm liên tục nghiên cứu công bố do VCCI thực hiện, đến nay chỉ số PCI đã thực sự trở thành tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh ở mỗi địa phương.

Ngoài những tác động quan trọng về chính sách, thay đổi nhận thức, cách thức làm việc, chỉ số PCI đã thực sự tạo ra phong trào và động lực thi đua của các tỉnh thành trong cả nước trong nổ lực cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương. Kết quả nghiên cứu PCI và sự thay đổi thiết thực của chính quyền địa phương cho thấy, cải thiện môi trường kinh doanh là công việc cần có sự chung tay của bộ máy chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp mà đại diện là các cơ quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến, Hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương.

Bên cạnh đó, buổi tập huấn cũng cung cấp các kỹ năng thực hiện khảo sát doanh nghiệp, phương pháp nghiên cứu, cách thức nghiên cứu, phân tích để đưa ra các khuyến nghị nhằm phục vụ cho công tác thực hiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Khóa đào tạo sẽ là cơ hội cho các cơ quan tham mưu chính sách tại địa phương trao đổi những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, cũng như chia sẽ những thực tiễn tốt, những cách làm hay trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó nhân rộng những điển hình tốt, góp phần vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của từng địa phương, cũng như của cả vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Khắc Nhu, PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long chia sẽ: ở nơi nào lãnh đạo địa phương tiên phong năng động trong cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư thì nơi đó thuận lợi và chỉ số PCI sẽ phát triển. Khác với đa số các tỉnh ĐBSCL tổ chức cà phê doanh nhân, thì đối với Vĩnh Long quan tâm bậc nhất là đối thoại doanh nghiệp, mỗi quý tổ chức đối thoại 1 lần, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh. Trong quá trình đối thoại với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc, đòi hỏi có sự tham gia giải quyết của các sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận giao hẳn công việc cần xử lý cho từng sở ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tổng hợp theo dõi, đôn đốc các sở ngành thực hiện, nếu công việc tiến triển chậm, có vướng mắc ở đâu, cấp, ngành nào thì cùng nhau phối hợp giải quyết, và phải có thời gian hoàn thành cụ thể, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên UBND tỉnh. Thứ hai, tạo điều kiện cho các cán bộ công viên chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp...được tham dự buổi họp với các sở ngành có nội dung: cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư hay các vấn đề có liên quan đến nhà đầu tư và doanh nghiệp...trong buổi họp, các công viên chức có thể trao đổi, phản biện trực tiếp với các chuyên gia, để cập nhật thêm kiến thức, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ lĩnh vực phụ trách. Qua đó, lãnh đạo sở cũng xem xét đánh giá trình độ chuyên môn của nhân viên cấp dưới và có hướng bồi dưỡng thích hợp.

Theo Ông Nguyễn Phương Lam – Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ: tổng số doanh nghiệp của 13 tỉnh ĐBSCL khoảng 48.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu những doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt, thiếu nguồn nhân lực đào tạo có chất lượng, mặc dù nguồn nhân lực của khu vực này được đánh giá là rất dồi dào, cơ sở hạ tầng giao thông bị hạn chế, vị trí địa lý không thuận lợi, do đó động lực phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, có một số tỉnh ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre...đã đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế và đào tạo nguồn nhân lực để khắc phục các hạn chế nêu trên, dự báo các tỉnh này sẽ phát triển khi cầu Vàm Cống hoàn thành đi vào phục vụ.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Tổng Thư ký VCCI Việt Nam phát biểu kết luận: thông qua chỉ số PCI thể hiện sự thay đổi nhận thức, quyết tâm của chính phủ và địa phương đối với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI là công cụ hiệu quả đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ số PCI không thể là “cây đũa thần” để làm thay đổi nhận thức và phong cách làm việc của các cơ quan ban ngành địa phương đem lại hiệu quả, lợi tức thời cho người dân và các doanh nghiệp. Ở một số tỉnh chỉ số PCI, năng lực điều hành có thể đạt kết quả cao, tuy nhiên nếu không có sự nổ lực liên tục, không có sự giám sát của lãnh đạo địa phương thì kết quả xếp hạng chỉ số PCI có xu hướng tăng giảm không ổn định. Chỉ số PCI là tương đối, chỉ có sự thay đổi theo hướng tích cực ở các địa phương mới là tuyệt đối.  

Bá Đăng

Một số hình ảnh phóng sự tại lớp đào tạo:

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image