Hai dự án đã được ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các khu điểm du lịch tại Châu Đốc và Tịnh Biên tỉnh An Giang
Sáng ngày 24/11/2016, tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các khu điểm du lịch tại Châu Đốc và Tịnh Biên, Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp với UBND TP.Châu Đốc và UBND huyện Tịnh Biện tổ chức.

Responsive image

 

Tham dự hội nghị có: Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Ông Đinh Văn Bảo – Phó Chủ tịch UBND TP.Châu Đốc, Bà Nguyễn Thị Bảo Trân – Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, Ông Phạm Thế Triều - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Bà Phan Thị Yến Nhi – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư cùng với hơn 100 người là lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp và báo đài tham gia đưa tin.

An Giang là tỉnh đồng bằng có sông tiền và sông Hậu chảy qua và là tỉnh duy nhất khu vực ĐBSCL có quần thể nhiều núi non bao bọc nằm ở vị trí hiểm yếu, hoang sơ rất thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, hành hương, mạo hiểm và du lịch mùa nước nổi. Trong đó tập trung tại 02 địa phương là Châu Đốc và Tịnh Biên.

Nằm ở ngã ba sông Hậu, Châu Đốc cách TP.Hồ Chí Minh 245km, cách Thủ đô Phnom Penh - Vương Quốc Campuchia 144km, cách TP.Cần Thơ 116 km. Châu Đốc có khu danh thắng núi Sam với nhiều di tích văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia như Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An. Với Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức hàng năm thu hút trên 4,3 triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan cúng bái, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huyện Tịnh Biên nằm phía Tây Nam tỉnh An Giang, phía Đông Bắc giáp TP.Châu Đốc, phía Đông giáp huyện Châu Phú, phía Nam giáp huyện Tri Tôn, phía Tây Nam là vùng biên giới tiếp giáp Vương Quốc Campuchia với chiều dài gần 20km chảy dài trên 04 xã và thị trấn, cách Thủ đô Phnom Penh 128km, Tịnh Biên có cặp cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên – An Giang và Phnom Denh – Campuchia lớn nhất khu vực ĐBSCL với kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. Nếu như miền Bắc có Tam Đảo, miền Trung có Ngũ Hành Sơn thì miền Nam mà cụ thể là Tịnh Biên có dãy Thất Sơn huyền thoại, trong đó nổi bậc là Thiên Cấm Sơn có chiều cao 710m so với mực nước biển, khí hậu tươi mát quanh năm được ví là Đà Lạt phiên bản 2, rất thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng, hành hương… Hàng năm Tịnh Biên thu hút khoảng 04 triệu du khách tham quan mua sắm, chủ yếu đến từ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hà Tiên và đặc biệt là Vương quốc Campuchia. Ngoài ra Tịnh Biên có khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư nổi tiếng với các loài chim quý hiếm và hệ động thực vật vô cùng phong phú đa dạng là điểm dừng chân ưa thích của du khách nước ngoài.

Trong nhiều năm qua tỉnh An Giang luôn dẫn đầu khu vực ĐBSCL về số lượng du khách. mỗi năm có trên 6 triệu lượt du khách đến tham quan mua sắm, thế nhưng theo ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh An Giang cho biết, lượng khách lưu trú chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượt khách tham quan như vậy là rất ít so với Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt…gây lãng phí, chưa khai thác tương xứng tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Phát biểu tại hội nghị nhiều nhà đầu tư phản ánh tình trạng hiện nay tỉnh An Giang đang thiếu nguồn nhân lực đào tạo có tay nghề, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ gây cản trở phát triển du lịch.

 

Responsive image

 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết “Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang vào ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh An Giang cần có kế hoạch phát triển du lịch, nhất là tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử. Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua địa phương chưa phát huy hết tiềm năng về du lịch,  khách du lịch tuy đến đông nhưng thời gian lưu trú ít, mức đóng góp cho doanh thu du lịch còn thấp. Thủ tướng yêu cầu địa phương phải đột phá trong tư duy phát triển, phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khắc phục các hạn chế, bất cập để phát triển nhanh hơn trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thế mạnh là du lịch và kinh tế cửa khẩu, những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sẽ là mục tiêu mà tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới”.

Đồng thời Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: tiềm năng du lịch của tỉnh rất lớn nhưng thời gian qua địa phương chưa phát huy được. Theo Lãnh đạo tỉnh có 03 hạn chế lớn nhất của địa phương hiện nay là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chính sách thu hút đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng. Để giải quyết tình trạng này Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất hướng khắc phục, giao Sở Lao động và Thương binh xã hội kết nối với các doanh nghiệp mở lớp đào tạo nghề…

 

Responsive image

 

Tại hội nghị, Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng đã chứng kiến lễ ký kết ghi nhớ giữa đại diện UBND TP.Châu Đốc và Tập đoàn Sao Mai về đầu tư dự án Khu du lịch Bãi bồi phường Vĩnh Mỹ, quy mô hơn 31 ha, vốn đầu tư dự kiến 435 tỷ đồng; ký kết giữa UBND TP.Châu Đốc với Công ty Cổ phần dịch vụ và Thương mại Đông Á về đầu tư dự án Khách sạn 4 sao và Trung tâm thương mại qui mô hơn 1.000 tỷ đồng tại TP.Châu Đốc.

Bá Đăng