Hội thảo “Cập nhật thông tin thị trường và Định hướng phát triển xuất khẩu chính ngạch nông sản (trái cây, rau quả) sang thị trường Trung Quốc"
Sáng ngày 01/3, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Cập nhật thông tin thị trường và Định hướng phát triển xuất khẩu chính ngạch nông sản (trái cây, rau quả) sang thị trường Trung Quốc".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Chương trình “Hỗ trợ hợp tác kinh tế cho các sáng kiến tiểu vùng ở châu Á” của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ).

Thị trường ngày một khó tính

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu (XK) trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch XK trái cây, rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, chiếm trên 70% tỷ trọng XK mặt hàng này của Việt Nam. Mặc dù vậy, XK nông sản nói chung và trái cây, rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chưa bền vững, còn phụ thuộc khá nhiều vào XK tiểu ngạch, quy mô nhỏ lẻ. Ràng buộc pháp lý giữa người mua và bán rất lỏng lẻo, trong trường hợp có kiện tụng, doanh nghiệp (DN) XK chịu nhiều thiệt thòi.

Với kinh nghiệm nhiều năm nhập khẩu trái cây, rau quả từ Việt Nam, ông Shi Xin Biao - Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.Ltd cho hay: Năng lực thiết kế bao bì, nhãn mác và các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm nông sản của DN Việt Nam còn hạn chế. Nguyên do, rất nhiều trái cây, rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch nên bao bì không được chú ý. Hoặc nhiều nhà vườn, cơ sở không sản xuất với mục đích XK riêng sang Trung Quốc nên bao bì cũng không được thiết kế để dành riêng cho thị trường này.

“Nhu cầu về mặt hàng trái cây, rau quả của Trung Quốc hiện rất lớn, tuy nhiên chất lượng phải là yếu tố đầu tiên cần được các DN Việt Nam coi trọng khi muốn XK bền vững các mặt hàng này”, ông Shi Xin Biao nói.

Hiện nay có 08 loại trái cây Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm, ngoài ra Trung Quốc đang nghiên cứu để ưu tiên nhập khẩu các loại trái cây khác của Việt Nam như: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt…

Từ ngày 01/01/2019 các cơ quan Hải quan Trung Quốc kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trái cây nhập từ Việt Nam xem trong “phụ lục” có ghi rõ tên, mã số các cơ sở đóng gói đã đăng ký hay chưa, hàng hóa phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận (danh sách tra trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc) nếu phù hợp với yêu cầu thì mới cho phép tiến hành kiểm dịch. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc không phải từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng ký thì không được phép nhập vào Trung Quốc.

Khi các doanh nghiệp của Trung Quốc nhập khẩu hoa quả của Việt Nam qua Cục Kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập cảnh” thì cần phải cung cấp “Hình ảnh chụp bao bì có chứa những thông tin truy xuất chất lượng trái cây”. Ngoài ra doanh nghiệp phải ghi rõ bằng tiếng Anh và tiếng Trung: tên, xuất xứ, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói hoa quả, cũng như mã vạch, mã QR, tem nhận diện chống hàng giả để tiện kiểm tra, theo dõi.

Một số kiến nghị đối với Việt Nam về xuất khẩu các mặt hàng nông sản:

Phát triển công nghệ bảo quản tươi cho trái cây cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng để lưu giữ.

Nhập thêm công nghệ tiên tiến hơn để trồng các loại trái cây cũng như Hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại hơn cho các mặt hàng nông sản.

Làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì để nhanh chóng được thông qua quy trình kiểm định, kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc.

Tiến hành quản lý chuỗi kho lạnh và có những quy định về chính sách truy xuất nguồn gốc.

Xu hướng thị trường Trung Quốc cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rau củ quả:

10 năm tới, tốc độ tăng về nhu cầu trái cây của Trung Quốc sẽ chững lại. Ngược lại, yêu cầu về chất lượng tăng lên. Giá cả sẽ có mức dao động lớn hơn, phẩm chất các loại trái cây sẽ phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn. Thương mại điện tử các mặt hàng tươi sống cũng như ngành logistic hiện đại phát triển nhanh chóng sẽ hỗ trợ cho quá trình tiếp cận với sản xuất, tiêu thụ các loại trái cây nổi tiếng, có chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao hơn.

Làm thế nào để khai thác thị trường Trung Quốc?

Hiện nay, tại Quảng Tây có 07 cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu các loại trái cây Việt Nam như: thanh long, nhãn, măng cụt...

Các phương thức nhập khẩu linh hoạt cho các loại trái cây và sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam cũng đã được phép áp dụng tại các cửa khẩu Trung Quốc, bao gồm các giao dịch biên mậu có giá trị thấp, buôn bán tại tại chợ giáp biên giữa 02 bên cũng như các phương thức giao dịch thương mại thông thường khác. Bất cứ mặt hàng nông sản của Việt Nam mà phù hợp với quy định nhập khẩu của Trung Quốc đều được nhập khẩu thuận lợi vào Trung Quốc qua các phương thức trên, các thủ tục cụ thể được thực hiện thông qua các công ty đại lý quốc tế.

Cung cấp các sản phẩm ổn định, chất lượng cao, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc tương ứng.

Phương thức giao dịch thanh toán linh hoạt, thống nhất an toàn, đảm bảo an toàn cho nguồn vốn của thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam.

Sang Trung Quốc tìm hiểu cụ thể nhu cầu khách hàng.

Phát huy vai trò hướng dẫn của các cơ quan nhà nước như Cục Xúc tiến thương mại,  Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc… tận dụng cơ hội kinh doanh và uy tín tốt của các tổ chức, doanh nghiệp đã từng kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Khai thác nguồn tài nguyên mạng Internet rất phong phú và hiệu quả của Trung Quốc để xây dựng một sàn giao dịch thương mại điện tử thống nhất.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị:

Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về sản phẩm sạch của thị trường Trung Quốc (thay đổi cách tiếp cận – an toàn thực phẩm: từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất).

Nâng cao nhận thức – sản phẩm chất lượng và an toàn hơn.

Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý – doanh nghiệp – người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm, kết nối với các đối tác Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu và đưa sản phẩm vào sâu trong thị trường Trung Quốc.

Thiết lập và xây dựng thương hiệu rau quả đặc thù của địa phương, đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao – sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm hữu cơ gắn chỉ dẫn địa lý.

Áp dụng các quy trình sản xuất tốt (GAPs, GAHPs, GAqPs), hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường. Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho chế biến (tương tự như HACCP).

Với kinh nghiệm hơn 20 năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón FUSA chia sẻ: xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như thiếu thông tin thị trường, không cập nhật được các quy định mới của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu. Những khó khăn này của DN hiện đã được Bộ Công Thương tháo gỡ rất nhiều.

Để kinh doanh thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần lưu ý:

Nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các loại trái cây Việt Nam, các tỉnh phía Tây như Tứ Xuyên, Thanh Hải…có nhu cầu về thủy sản, trong khi các tỉnh phía Đông Nam như Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy…có nhu cầu về trái cây.

Tham gia các hội chợ để tìm kiếm khách hàng. Với sản phẩm, trên bao bì nên ghi tiếng Trung Quốc; những loại rau quả cấm nhập khẩu tươi có thể sơ chế và xuất sang Trung Quốc. Đặc biệt, doanh nghiệp cần gắn kết hơn nữa để tiếp thị sâu hơn, có nguồn cung đủ lớn và không cạnh tranh lẫn nhau.

Phương thức thanh toán, để tránh bị doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc “bùng tiền”, doanh nghiệp Việt Nam thường yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc ứng trước khoảng 40% và nhận đủ khi hoàn tất giao hàng.

Bá Đăng

Một số hình ảnh phóng sự:

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image