Doanh nghiệp ĐBSCL kỳ vọng hoạt động hiệu quả hơn vào 6 tháng cuối năm 2018
Đó là số liệu khảo sát của VCCI Cần Thơ vừa công bố tại hội thảo: “Kinh tế ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2018, cơ hội từ CPTPP và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc”.

Tình hình kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2018, theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho biết: tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7%, qua khảo sát nhanh, lấy ý kiến 62 doanh nghiệp hội viên trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cho thấy, gần 42% doanh nghiệp cho biết sản xuất, kinh doanh tốt hơn, 45,2% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định trong 6 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 13% doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh kém hơn.

Đa số doanh nghiệp có cảm nhận môi trường đầu tư kinh doanh trong những tháng cuối năm sẽ ổn định và gần 90% doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng công việc làm ăn sẽ thuận lợi hơn. Trong đó, gần 20% cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm. Theo dự báo, nếu như trước đây các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội..., thì nay ĐBSCL sẽ là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu danh sách các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 5 tỷ USD, thứ hai là Hàn Quốc 3,1 tỷ USD và thứ ba là Thái Lan 60 triệu USD.

Về cơ hội từ CPTPP, lợi ích thu được sẽ tập trung chủ yếu vào một số ngành: may mặc, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá sẽ có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Hiệp định CPTPP sẽ dẫn tới mức độ đa dạng hóa xuất khẩu lớn hơn nếu tính trên thị trường xuất khẩu, mặc dù tất cả các nhóm thu nhập theo dự kiến đều được hưởng lợi từ CPTPP, những lao động có kỹ năng cao trong top 60% thu nhập cao nhất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào phát triển nguồn vốn con người để tận dụng đầy đủ những lợi ích từ hiệp định.  

Ngoài các vấn đề “thương mại” trong hiệp định, CPTPP có thể khuyến khích và thúc đẩy cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực như: cạnh tranh, dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, các biện pháp khắc phục thương mại...CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch và hỗ trợ hình thành các thể chế hiện đại ở Việt Nam.

Lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ, phản ứng này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và do đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về sự nổi lên của thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh Hoa Kỳ và châu Âu thực hiện chính sách bảo hộ thương mại thì Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và châu Âu để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Sự dịch chuyển này càng được củng cố trong năm 2018, khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong quý 1 tăng 33,5%, so với mức tăng 20% đối với thị trường Mỹ (theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL chủ yếu là thủy sản và nông sản thông qua tiểu ngạch, thiếu ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong những năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tương đối đặc biệt thể hiện trên 03 lĩnh vực: thương mại quốc tế thông thường, thương mại biên giới và thương mại đặc thù (Hồng Kông). Đã có nhiều thỏa thuận, cam kết giữa Việt Nam và Trung Quốc để tạo khuôn khổ và điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư giữa 02 bên, tuy nhiên việc tận dụng lợi ích từ các thỏa thuận này còn hạn chế.

Gần đây liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc đã cho phá giá mạnh đồng NDT để đẩy mạnh xuất khẩu. Chia sẻ tại hội thảo, TS.Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cao cấp đã trấn an các doanh nghiệp khi cho rằngDoanh nghiệp không nên quá lo lắng về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì chúng ta đã có những lợi thế nhất định để phòng ngừa các cú sốc bên ngoài: Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện nay khoảng 65 tỷ USD, các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu có thể giảm ở những tháng cuối năm nhưng tăng trưởng sẽ ấn tượng và đồng đều ở các ngành hàng với thị trường rộng mở”.

Tuy nhiên theo TS. Thành, hiện nay đồng VNĐ vẫn đang được định giá theo đồng USD. Khi đồng NDT mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do hàng hóa Trung Quốc nhập vào giá sẽ rẻ hơn gây khó khăn cho hàng nội địa.

Do đó TS Thành đề xuất: Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, linh hoạt. Tức là nên giảm giá đồng VND so với USD nhưng không nhất thiết phải giảm mạnh theo đồng NDT mà chỉ ở mức khoảng 2-3% là hợp lý. Với mức giảm giá VNĐ như vậy vẫn đảm bảo được lạm phát ở mức 4%, lãi suất sẽ khó giảm nhưng không bị áp lực tăng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bá Đăng

Một số hình ảnh phóng sự tại hội thảo:

Responsive image
Bà Phan Thị Yến Nhi - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tham dự hội thảo
Responsive image
Quang cảnh hội thảo
Responsive image
              TS.Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cao cấp                   Bà Phùng Thị Lan Phương - Chuyên gia Trung tâm WTO