Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường các nước Châu Phi, Nam Á
Gạo là một trong những loại lương thực phổ biến nhất tại khu vực Châu Phi, Nam Á và ngày càng được tiêu thụ rộng rãi bởi sự tiện dụng trong quá trình chế biến cũng như do tỷ lệ đô thị hóa ngày càng nhanh tại các nước thuộc khu vực.

 
 

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), mức tiêu thụ gạo của Châu Phi vào khoảng từ 24-24,5 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 10 triệu tấn gạo phải nhập khẩu và mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người là 22,1 kg/năm. Các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất Châu Phi là Ni-giê-ri-a (3 triệu tấn/năm), Xê-nê-gan, Bờ Biển Ngà (1 – 1,5 triệu tấn/năm), Nam Phi, Ga-na (400 – 600.000 tấn)…

Tại Nam Á, ngoại trừ Ấn Độ và Pa-ki-xtan, nhiều nước trong khu vực Nam Á phải nhập khẩu gạo với số lượng lớn do sản xuất gạo trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực này là Băng-la-đét. Ước tính niên vụ 2015-2016, Băng-la-đét nhập khẩu khoảng 600.000 tấn gạo.

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường các nước khu vực Châu Phi, Nam Á với tổng kim ngạch đạt 421 triệu USD, chiếm 6,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang hai khu vực này.

Theo vụ thị trường châu phi, tây á, nam á